![]() |
Tổng biên tập Báo BĐVN Võ Đăng Thiên trao quà cho đồng bào Hương Lâm (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). |
Trong những ngày áp Tết Nguyên đán, đoàn công tác Báo BĐVN thực hiện cuộc hành trình về với miền Trung ruột thịt. Chúng tôi mang theo 300 suất quà (mỗi suất gồm 450.000 đồng tiền mặt và một hộp mứt Tết) để đến với đồng bào xã Tân Hóa, Minh Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), xã Hương Lâm (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) và 50 triệu đồng tiền mặt để trao cho đồng bào xã Hòa Hải cũng thuộc huyện Hương Khê - một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Đồng hành cùng tập thể cán bộ, phóng viên đại diện cho Ban Công tác xã hội, Đoàn thanh niên Báo BĐVN do Tổng biên tập Võ Đăng Thiên làm trưởng đoàn còn có một ê kíp của kênh truyền hình chuyên về thiên tai, thảm họa VTC14 Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Về tâm lũ
Chỉ có đúng một đêm nghỉ ngơi sau hành trình dài hơn 500km từ Hà Nội vào thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), ngay từ sáng sớm hôm sau, ngày 13/1, đoàn xe chúng tôi đã nối nhau hối hả lăn bánh trên đường Hồ Chí Minh để đến với điểm đầu tiên: xã Tân Hóa.
Cả ba chiếc xe chở đoàn công tác hết chồm lên rồi hụp xuống, lắc qua trái rồi vật sang phải theo từng “cung bậc cảm xúc” khó tính của con đường đất nơi xã nghèo. Có những đoạn cống bị lũ tàn phá, cả ba chiếc xe lẩy bẩy dò dẫm lăn qua chỉ nhờ vào vài tấm ván mỏng manh dài cả mét mà người dân đặt tạm. Trong khi đó, “vật vã” nhất là chiếc xe “cá mập” Toyota 14 chỗ của kênh VTC14. Chiếc xe này nhọc nhằn lê bánh và theo lời của bác tài, tuổi lăn bánh của nó cũng đã ngót hai chục năm và qua gần chục đời chủ xe.
Vượt qua quãng đường khó khăn, đoàn chúng tôi đã đặt chân tới trụ sở UBND xã. Cơn mưa phùn lúc này càng trở nên dày đặc. Cái lạnh thấu da thấm thịt như càng vận riết lấy từng con người, từng hàng cây ngọn cỏ nơi đây. Trong sân trụ sở xã, bốn chiếc thuyền cỡ lớn sơn màu xanh vàng nằm soài một góc như vẫn còn chưa hết mệt nhoài sau cuộc chiến vật lộn với hà bá để cứu dân.
Còn gần 1 tiếng nữa mới tới giờ phát quà, nhưng giữa lúc chúng tôi đang tất bật chuẩn bị những túi quà đầu tiên thì một đoàn hơn chục người cả phụ nữ, trẻ em từ các xóm tiến vào. Người sùm sụp áo bông, người quàng vội chiếc áo mưa mỏng mảnh, ai cũng lấm lem bùn đất quá đầu gối. Tội nhất là mấy em nhỏ chỉ chừng 6 - 7 tuổi đã có bé phải cõng cả em nhỏ hơn một tuổi sau lưng để đến nhận quà Tết. Bùn đóng khô đến quá đầu gối, đôi bàn chân trần non nớt nhỏ bé của các em như sắt lại, lẩy bẩy giữa cái giá lạnh mà chúng tôi – những người lớn dù đang đi giầy ấm vẫn còn chưa thoát cơn run…
Hơn hai tháng đã đi qua, Tết cổ truyền của dân tộc đã sắp về nhưng đến hôm nay cuộc sống của Tân Hóa vẫn chưa thể khắc phục được nhiều. Sau cơn đau bị hà bá cuốn phăng mọi tài sản vật chất thì họ tiếp tục phải chống chọi với cái đói, giành giật sự sống cho đàn gia súc. Một tay ôm túi quà của Báo BĐVN, tay kia đưa vạt của chiếc áo rét đã sờn đen để quệt vội hàng nước mắt, chị Trương Thị Kim Bài, người dân trong thôn 2 dường như còn chưa hết bàng hoàng: “Cơn lũ đến nhanh lắm. Nhà tui nghèo đói, giờ lại mất trắng cả rồi chú à…”
Đón đoàn công tác tại phòng tiếp khách của UBND xã Tân Hóa, đồng chí Cao Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã chỉ cho chúng tôi xem mức nước còn hằn nguyên vết bẩn đang bám thành ngấn khá đậm còn lưng lửng nơi… tường nhà tầng hai của trụ sở. Hiện giờ nhiều chồng tài liệu, những bộ bàn ghế vẫn còn được đem ra phơi ngổn ngang suốt dọc hành lang.
“Tân Hóa với bốn bề là núi đá cao chất ngất như một lòng chảo hứng nước. Nước ập đến nhanh mà dâng cũng rất nhanh, cao tới 8 mét khiến những nơi như trường học, UBND xã hay trạm y tế cũng không thể sử dụng làm nơi lánh nạn bởi tất tật đều bị nước nuốt chửng. Hơn 600 hộ trong xã bị ngập quá nóc nhà, hơn 3000 người dân phải chạy lụt nơi núi đá. Tân Hóa còn khắc nghiệt ngay cả trong mùa khô, nơi đây lại là “họng” hút những cơn gió Lào nóng rát. Cây cỏ bị cái nóng và cái gió hun đốt cằn cỗi đến cùng cực”, đồng chí Cao Thanh Bình chia sẻ, đồng thời cũng cho biết: “Cơn lũ đã đi qua nhưng đến thời điểm hiện nay, cuộc sống sau lũ vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Hàng trăm con trâu bò đã chết trong mùa rét vì không thể chịu được cái giá lạnh, vì thiếu cỏ để ăn”.
Lên xe để rời Tân Hóa và Minh Hóa sau một ngày tất bật, trong tôi nặng trĩu hình ảnh những em nhỏ với gương mặt lem bùn, đôi chân trần tê cóng và cả những bữa cơm sau lũ dù có thêm thịt gia súc nhưng là ngoài mong muốn đang chan đẫm nước mắt của người dân nghèo…

Người thứ 101
Hai hôm sau, ngày 15/1, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến với xã Hương Lâm (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Đây là xã biên giới khó khăn, cách đồn biên phòng 575 chỉ chừng 15km và chỉ xa biên giới Việt – Lào chưa đầy 20km.
Huyện Hương Khê cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 80km. Khi cách xã Hương Lâm chừng ba chục cây số, ông trời lại đổ cơn mưa nặng hạt. Con đường đất vốn dĩ đã khó đi giờ lại bị trút thêm nước bỗng trở nên lép nhép, trơn trượt. Trong khi chiếc Ford Everest hai cầu dũng mãnh lao phăm phăm về phía trước, thì chiếc “cá mập” của VTC vẫn yếu đuối như một ông lão chống gậy dò đường. Thậm chí, cái điều hòa già cỗi của chiếc xe không thể hoạt động như mong muốn khiến hơi nước đọng đầy phía bên trong kính lái gây cản tầm nhìn.... Nhưng rồi, Hương Lâm hiện ra trước mắt chúng tôi sau chặng đường gặp mưa như trút nước, với hai bên bạt ngàn rừng cao su.
“Có người đến từ lúc hơn 6 giờ sáng đấy các anh”, đón chúng tôi ở cổng trụ sở ủy ban, đồng chí Phạm Văn Thông – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nói.
Cùng với miền Bắc, cả miền Trung cũng đang sống trong những ngày khắc nghiệt nhất của trận giá rét lịch sử. Đã giữa tháng 12 âm lịch rồi, tức là chỉ còn hơn hai tuần nữa thôi Tết Nguyên đán sẽ đến, một mùa xuân mới lại về vậy mà với người dân vùng lũ nơi chúng tôi đi qua, không khí ngày Tết vẫn chưa thể được hiện hữu, cuộc sống vẫn còn quá nhiều bộn bề. Cũng như nhiều xã khác ở huyện Hương Khê, Hương Lâm là một trong số xã thuộc diện khó khăn nhất. Toàn xã có hơn 6500 dân nhưng có tới 866 hộ thuộc diện nghèo đói. Và cũng giống như đồng bào xã Tân Hóa, Minh Hóa, giữa lúc cái ăn cho con người còn chưa đủ thì người dân Hương Lâm cũng lại tiếp tục phải lo lắng cho số phận của đàn gia súc. Khi được chúng tôi hỏi chuyện, nhiều người dân ở xóm 1, xóm 4, xóm 12 đều chung nỗi day dứt: “Miếng ăn hàng ngày vẫn chưa đủ no, chẳng dám nghĩ chi đến chuyện ăn Tết!”
Xúc động trước tình cảm của cán bộ, nhân viên và bạn đọc Báo BĐVN, đồng chí Phạm Văn Thông cho biết, sau trận lũ lụt đã có một số đoàn cứu trợ đến với Hương Lâm, chung tay giúp Hương Lâm vượt qua cơn hoạn nạn nhưng để tặng quà Tết thì Báo BĐVN là đoàn đầu tiên.
Ngoài trời cơn mưa mang theo giá buốt vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sau khi đã trao đủ 100 suất quà cho đồng bào, cả đoàn chúng tôi chuẩn bị bước lên xe rời Hương Lâm thì bất ngờ, từ phía cổng UBND xã, một cụ bà tuổi chừng 80, gương mặt khắc khổ, người đùm chiếc áo mưa đã rách và đôi chân bết bùn đất chống gậy bước vào. Thì ra, nghe hàng xóm nói hôm nay “có đoàn của Đảng và Nhà nước về xã tặng quà Tết”, bà đã đi bộ vượt qua hơn 4 cây số để đến đây cho dù gia đình không thuộc diện được trao quà lần này. Trước tình huống bất ngờ nằm ngoài chương trình, rất nhanh chóng, Tổng biên tập Võ Đăng Thiên đã chỉ đạo đoàn công tác biếu cụ suất quà Tết.
Chẳng thể chia sẻ hết những nỗi đau, chẳng thể nào làm vơi được hết những khó khăn mất mát, nhưng với món quà dù nhỏ bé và tấm lòng đồng cảm chân thành, bạn đọc và tập thể cán bộ, nhân viên Báo BĐVN xin được góp một ngọn lửa ấm để đồng bào xã tân Hóa, Minh Hóa hay Hương Lâm được hưởng một mùa xuân ấm áp, sớm ổn định cuộc sống sau cơn đau nước lũ…
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 8 ra ngày 19/1/2011.