Tôi ấn tượng mãi khi chứng kiến một người lính Mỹ (cũng rất trẻ) viết lên bức tường một ngôi nhà Huế dòng chữ: Yesterday was war; today is war, but I am here; and tomorrow? (Hôm qua là chiến tranh; Hôm nay là chiến tranh, nhưng tôi đang ở đây; và ngày mai?)

Kỳ 1: Nhà báo Mỹ 'góp nhặt' nỗi đau chiến tranh Việt Nam

Kỳ 2: Sao người Việt Nam không ghét người Mỹ?

Kỳ 3: "Không ai trên đời mong trở thành Bà mẹ Anh hùng!"

Kỳ 4: Cảm ơn bà vì đã không bắn tôi

Kỳ 5: Chuyện kể ở 'xóm kiếm con'

Kỳ 6: Những tiếng nổ giữa thời bình

Khi nữ sinh không còn ngồi bên cửa sổ lớp học

Nói đến Huế, người ta nhớ đến sông Hương, núi Ngự, đền đài lăng tẩm... nhưng với nhà báo Hoàng Thị Thọ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, thì Huế còn có Trường Nữ sinh Đồng Khánh, nới lưu lại một thời con gái của chị, và cũng là nơi chứng kiến thời gian đấu tranh sôi nổi và khốc liệt nhất của thời tuổi trẻ.

Sinh năm 1952, khi phong trào đấu tranh phản chiến của giới trẻ thành Huế, đặc biệt của các nữ sinh Đồng Khánh rầm rộ nhất vào năm 1970, cô nữ sinh Hoàng Thị Thọ khi ấy vừa tròn 18 tuổi.

Như nhà báo Hoàng Thị Thọ chia sẻ, ở tuổi ấy, nhiệm vụ và ước mơ của nữ sinh Đồng Khánh đơn giản là học, học để trở thành những người phụ nữ có tri thức, giỏi nuôi con, cách quản lý gia đình; có cốt cách tao nhã tinh tế... như tiêu chí Trường nữ sinh Đồng Khánh được lập ra.

Thế rồi chẳng ai ngờ, có một ngày những người con gái tao nhã ấy phải xuống đường đấu tranh, biểu tình, ném bom xăng vào xe giặc, để rồi bị bắt và tra tấn tàn khốc. Những tháng ngày đẹp nhất của đời người con gái trôi qua trong lao khổ ngục tù.

Nhà báo Hoàng Thị Thọ, Ảnh: Hoàng Hường

Chỉ vì "thấy cuộc chiến quá tàn bạo. Tôi ngồi trong trường học, hàng ngày nghe tiếng bom dội về, chứng kiến những chiếc quan tài đi qua thành phố, những cái chết tang thương... khiến một nữ sinh như tôi không thể ngồi yên bên cửa sổ lớp học, ngắm hoa phượng đỏ và nghe tiếng ve sầu kêu được nữa"

Và cô gái 18 tuổi mặc nguyên áo dài nữ sinh, cùng các bạn xuống đường tuần hành phản chiến, tham gia 'Hát cho đồng bào tôi nghe', biểu tình đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, phản đối chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Những cuộc biểu tình nhanh chóng bị đàn áp, trở thành những cuộc đối đầu bạo lực. Những trận mưa dùi cui, súng ống... giáng xuống đầu các thanh niên trí thức. Cuộc đấu tranh của họ chuyển sang hình thức khác, phản kháng mạnh mẽ hơn. Các nữ sinh Đồng Khánh, trong đó có Hoàng Thị Thọ bắt đầu biết đến những quả bom xăng tự chế. Bom do một y tá giúp sức chế tạo từ vỏ chai nước truyền.

Bằng vũ khí đơn giản ấy, Hoàng Thị Thọ và đồng đội đã đốt cháy được khá nhiều xe của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa. Họ nhanh chóng lọt vào 'mắt xanh' của lực lượng đàn áp.

Đêm 1/5/1972, gia đình Hoàng Thị Thọ bị đánh thức bởi một cuộc thăm viếng bất ngờ. Cô nữ sinh Đồng Khánh được 'mời' đi làm việc cùng cảnh sát, bắt đầu chuyến phiên lưu địa ngục.

Sau vài ngày bị giam ở nhà tù Chín Hầm, Hoàng Thị Thọ bị đưa ra giam tại Côn Đảo. Nơi đây cô nữ sinh mảnh dẻ bị nếm những ngón đòn tra tấn tàn khốc nhất. Từ 6h sáng, cô bị đưa đến phòng hỏi cung, bịt mắt, đánh, chích điện... liên tục đến 4h sáng hôm sau. Liên tục như vậy trong 20 ngày đầu tiên.

Một phòng giam tại hầm số 8, Nhà tù Chín Hầm ở Huế, Ảnh: Hoàng Hường

Bà Thọ kể, lúc được 'mời' đi khỏi nhà, bà mặc áo dài đồng phục nữ sinh Đồng Khánh. Sau khi bị bắt, đánh đập liên tục trong nhiều ngày, người bà bầm dập sưng tấy không nhận diện được, chiếc áo dài căng nứt tả tơi với thân hình khốn khổ của cô gái trẻ. Bạn tù phải giúp cắt rời chiếc áo dài ra khỏi cơ thể bà.

Đến giờ, bà Hoàng Thị Thọ vẫn không hiểu vì sao bà có thể sống sót trở về từ địa ngục ấy. Phương pháp chăm sóc duy nhất bà nhận được là những hạt muối được chia sẻ từ những người bạn tù dùng để ngậm cho vợi bớt cảm giác đau.

Ở Côn Đảo, Hoàng Thị Thọ mới biết, cùng trong đêm 1/5/1972, khoảng 1500 sinh viên học sinh và người dân được 'mời' như bà, rất nhiều người trong đó không có cơ hội trở về.

Côn Đảo sau này nổi tiếng với biệt danh 'địa ngục trần gian'. Còn với bà Thọ, đó là nơi vùi chôn tuổi xuân, sức khỏe và nhan sắc một thời con gái.

Khi đất nước giải phóng, bà Thọ trở về tiếp tục sự nghiệp học hành, trở thành nhà báo, làm việc cho nhiều tờ báo khác nhau. Hiện bà về hưu nhưng vẫn làm công tác cố vấn, chỉ đạo xuất bản cho một vài tờ báo và nhà xuất bản tại Huế.

Bà Nguyễn Thị Chắn, Ảnh: Hoàng Hường

'Sống thời chiến tranh, không ai được chọn số phận cho riêng mình'

Không xuất thân từ một trường học nổi tiếng như nhà báo Thọ, nhưng cô du kích Nguyễn Thị Chắn ở ấp Xóm Chùa, xã Anh Phú, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cũng không thể dằn lòng khi chứng kiến cảnh hàng ngày nhìn người dân quê mình bị áp bức.

Bà Chắn kể, hồi đó người dân Củ Chi chủ yếu là thuần nông, nhưng ruộng đất bị trưng thu, xung quanh khu Củ Chi cắm rất nhiều đồn Mỹ, thi thoảng các lực lượng này đi tuần, khám nhà, bắt người, dồn dân vào trại tập trung.

Đỉnh điểm tàn bạo nhất là khi bà con nằm ra đường đấu tranh đòi ruộng đất, phản đối Mỹ và chính quyền Sài Gòn, lực lượng này đã tàn bạo cho xe đi lên người bà con, thẳng tay đàn áp.

Di chứng những trận tra tấn để lại trên những ngón chân của bà Chắn, Ảnh: Hoàng Hường

Chứng kiến những cảnh đó, cô gái Nguyễn Thị Chắn nung nấu sự căm thù thành hành động chống trả. Cô tham gia làm liên lạc, nuôi giấu cán bộ và tìm cách tiếp cận đánh phá đồn Mỹ.

Bà Chắn bị bắt lần đầu tiên lần đầu tiên năm 1970, khi bà đang đi đưa tài liệu mật cho cán bộ. Bà bị bịt mắt đưa vào một nơi (sau này bà hiểu đó là một đồn Mỹ đóng tại Củ Chi) và nếm đủ những đòn tra tấn 'văn minh' nhất. Trong đó đáng sợ nhất là ngón chích điện. Các ngón chân, tay của bà được kẹp bằng những kẹp kim loại, rồi dòng điện chạy thẳng vào cơ thể. 'Chán' các ngón chân tay, hai bầu vú của người con gái cũng bị kẹp điện, di chứng để lại cho bà là những ngón chân co quắp, và bầu ngực bị cháy vì điện.

Bị bắt vài tháng, bà được đưa ra tòa xét xử, cùng những 'chứng cứ' là tài liệu đang được vận chuyển. Bà bị xử 18 tháng tù giam.

Ra tù năm 1972, bà lại tiếp tục công cuộc đấu tranh, liên lạc, công đồn... và lại bị bắt; được thả, lại hoạt động và bị bắt tiếp; tổng cộng ba lần vào-ra nhà tù Mỹ - chính quyền Sài Gòn.

***

Hôm tôi và Marissa đến nhà bà Chắn ở Củ Chi vào giữa trưa một ngày cuối tháng 3. Trời miền Nam nóng nực, ngồi nói chuyện một lúc mà ai nấy mồ hôi nhễ nhại, nhưng cả ba người phụ nữ (tôi, Marissa, bà Chắn) đều không ai để ý.

Bà Chắn kể về những tháng ngày tù đày và những ngón đòn tra tấn khốc liệt với giọng 'kể chuyện sử thi bên bếp lửa', bình thản và chậm rãi. Còn Marissa ngồi nhìn trân trân, mồ hôi chảy thành dòng, cả vì thời tiết và vì nội dung câu chuyện, dù khi chuyển ngữ, tôi đã cố gắng bớt tính từ về những cuộc tra khảo.

'Điều gì khiến bà vẫn tiếp tục công việc mạo hiểm đó sau khi chịu đựng những điều như vậy, để lại bị bắt và tra tấn?'

Đó là câu hỏi duy nhất của Marissa suốt buổi gặp gỡ, mà khi trên đường về bà nói với tôi, đó cũng là câu hỏi lớn nhất và khó hiểu nhất của bà về người Việt Nam. Nhưng đây không phải lần đầu tiên tôi nghe câu hỏi này từ một người Mỹ.

Sao ý chí và sức chịu đựng của con người lại ghê gớm đến thế?

Bà Chắn trả lời, vẫn với chất giọng mộc mạc, chậm rãi: "Thì trong chiến tranh, có ai được lựa chọn số phận mình, làm gì hay không làm gì đâu. Người ta đến nhà đánh mình, mình phải đánh lại vậy thôi".

Còn cựu nữ sinh Đồng Khánh Hoàng Thị Thọ: "Chúng tôi đâu có sự lựa chọn, không ai có thể ngồi im trong bối cảnh đó, đặc biệt với những trái tim trẻ. Tôi ấn tượng mãi khi chứng kiến một người lính Mỹ (cũng rất trẻ) viết lên bức tường một ngôi nhà Huế dòng chữ: Yesterday was war; today is war, but I am here; and tomorrow? (Hôm qua là chiến tranh; Hôm nay là chiến tranh, nhưng tôi đang ở đây; và ngày mai?)

Người lính ấy cũng cỡ tuổi tôi hoặc hơn một chút. Dòng chữ nguệch ngoạc ấy nói lên tâm trạng và suy nghĩ của anh ta về cuộc chiến.

Tôi cũng ở tuổi ấy, nhưng tôi khác họ".

Hoàng Hường