- Tranh của anh gợi tôi nhớ tới câu thơ của Nguyễn Bính: “Van em giữ nguyên quê mùa”. Anh có thấy là quá cổ điển không?
- Tôi thừa nhận, tôi cổ từ suy nghĩ, cái nhìn lẫn bút pháp thể hiện. Ngay từ khi ra trường tới giờ, tranh tôi luôn hiện diện áo yếm, váy đụp, lưng trần, còn giờ thì là áo dài. Với tôi, chưa khi nào vẻ đẹp của những người con gái thời xưa cũ lại hiện diện một cách hài hòa với tà áo dài như thế. Tôi muốn trân trọng, lưu giữ, khắc lại trong tranh mình nét tôn quý, thánh thiện, đài các và đầy e ấp của những người con gái Hà Nội cổ.
- Hướng về quá khứ, ngoài cái đẹp, liệu anh có thể hiện phần nào sự phủ nhận hiện tại không?
- Trong tôi vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh những người con gái xuân xanh quãng những năm 1950 – 1954. Và thân cận nhất là mẹ tôi, khi nhìn hình bà thời trẻ, tôi đã không thể nào quên nổi vẻ đẹp ẩn tàng dưới ánh nhìn dịu dàng đó. Hình ảnh ấy, quả thật giờ đây tôi đã không còn tìm thấy trong con gái thời nay nữa, cứ hình thức và thiếu nền cốt, chiều sâu. Hiện thực xã hội bây giờ quả cũng góp phần thôi thúc tôi vẽ nhiều hơn về đề tài này, như để cố gắng kéo giữ lại vẻ đẹp một thời như thế, giữ lại cái nền tảng làm nên chân giá trị con người Việt Nam.
- Đây không chỉ là một lời nhắc nhở, đánh động cho giới trẻ, mà còn hàm chứa tuyên ngôn nghệ thuật của anh?
- Với tôi nghệ thuật giản dị như những gì tôi thể hiện trong bức tranh. Tông màu trầm, độ biến hóa, phức tạp hay trộn lẫn màu sắc không nhiều. Bố cục đơn giản, gợi mở, với nền đằng sau cũng chỉ là phác họa vài dáng cây đa, mái đình mờ ảo. Tôi dẫu sao cũng đã định hình được một con đường cho riêng mình, mà ai nhìn tranh cũng nhận ra đó là Dũng. Tuy nhiên, con đường còn dài, và tôi dự kiến có những khám phá mới mẻ về nghệ thuật hơn trong thời gian tới.
- Có điều anh không thấy phụ nữ thời xưa là vẻ đẹp liễu yếu núp bóng tùng quân, nên mới e ấp như thế? Sẽ rất khó nếu anh đòi hỏi phụ nữ hiện đại vừa phải giỏi kiếm tiền, vừa biết e thẹn đỏ mặt khi có ai nhìn.
- Thế nên tôi mới nói là tôi cổ, vì mỗi thời mỗi khác, không so sánh được, mà tôi còn cố giữ. Nhưng lật lại vấn đề, thời nay phụ nữ tài năng, giỏi giang hơn, nhưng họ cũng dần đánh mất đi chuẩn giá trị của mình. Còn gì đáng thương hơn việc người đàn bà phải tất tả, bôn ba xuôi ngược kiếm tiền, chỉ vì đàn ông giờ tệ quá. Nhưng còn đáng buồn hơn khi người đàn bà dần tự biến mình thành tính cách đàn ông. Rồi nhìn thẳng vào giới 9X bây giờ xem, thật tệ, họ không có cái nền hoặc tấm gương nào để soi vào, nên đành lấy quan điểm thẩm mỹ, quan điểm cái đẹp của các cô trong giới giải trí mà học theo. Thế mới chết.
- Dường như ta đang bàn sang vấn đề trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng thì phải?
- Nhiều người mong chờ hoa hậu có thể thành tấm gương cho giới trẻ soi vào, nhưng đúng là họ không nhận ra trọng trách đó của mình.
- “Giọt xuân” trong mùa xuân, nhưng nỗi buồn bàng bạc trong tranh anh thì hợp hơn với triển lãm vào mùa thu. Dường như anh còn có chủ đích nào khác?
- Nếu hiểu “Giọt xuân” ở đây là vẻ đẹp lúc thanh tân, xuân thì của người con gái thì sao nhỉ, tôi thấy là hợp lý. Hơn nữa, triển lãm vào dịp đầu xuân, cũng là lúc người Việt ở nước ngoài về đón Tết cổ truyền nhiều, nên tôi cũng có hy vọng họ sẽ mang theo vẻ đẹp Việt bên mình khi đi khắp bốn phương trời.
Khánh Thy (thực hiện)