Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng con người cả về thể chất và tâm hồn, là cái 'nôi' gìn giữ, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng, gia đình đang đứng trước nhiều thời cơ cũng như thách thức. Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là bạo lực gia đình đang để lại những hệ lụy nặng nề và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Tại Hà Nội, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đang có những chuyển biến tích cực, thể hiện rõ qua số vụ việc được phát hiện, xử lý giảm dần từng năm.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho hay, năm 2014, toàn thành phố ghi nhận 331 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2024, con số này giảm còn 24 vụ. Tất cả nạn nhân đều được can thiệp, hỗ trợ kịp thời cả về y tế và tâm lý.

Với phương châm “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 được Hà Nội phát động bằng chuỗi hoạt động truyền thông sâu rộng, nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng. Trong đó, việc tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu, những tấm gương sáng trong xây dựng tổ ấm yêu thương, được xem là giải pháp hiệu quả.
Điển hình như gia đình ông Chu Thành Phan (phường Ba Đình, Hà Nội). Gia đình ông Phan có 3 thế hệ cùng chung sống chung một mái nhà.
Theo đó để đạt tiêu chí văn hoá, gia đình ông đã thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hoá, giáo dục các con, cháu trong gia đình luôn đoàn kết, yêu thương và thực hiện lời răn dạy của ông bà, cha mẹ, xây dựng phẩm chất cao đẹp và nhân cách đạo đức của con người.
Cùng với đó, ông và các thành viên trong gia đình cũng luôn tuân thủ, thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, tích cực tham gia mọi hoạt động, phong trào tại tổ dân phố…
Có thể thấy, mỗi gia đình trên địa bàn Thủ đô đều có bí quyết riêng trong việc gìn giữ tổ ấm và xây dựng theo các tiêu chí gia đình văn hóa. Thành phố Hà Nội thực hiện công tác gia đình gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi ở khu dân cư. Trong mỗi phường, xã đều đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình văn hóa, bổ sung tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực vào việc bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa và thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố nhằm đạt mục tiêu gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Tại quận Nam Từ Liêm (nay là phường Cầu Giấy), các cấp hội đã tổ chức nhiều lớp truyền thông về ứng xử văn hóa trong gia đình; phát huy vai trò của tổ dân phố, ban công tác mặt trận, các tổ hòa giải cơ sở trong việc phát hiện, hỗ trợ, can thiệp sớm các trường hợp có nguy cơ bạo lực.
Các trường học, cơ sở tôn giáo, tổ chức đoàn thể cũng tích cực phát huy vai trò trong giáo dục giới tính, kỹ năng sống và giá trị gia đình cũng được lồng ghép vào nội dung giảng dạy. Nhiều trường học đã triển khai hiệu quả các chương trình như “Giờ học về lòng biết ơn”, “Thư gửi cha mẹ”, “Ngày hội gia đình học sinh”, khuyến khích sáng tạo thông qua các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, các trò chơi dân gian, tạo không gian kết nối giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Hệ thống cộng tác viên dân số – gia đình – trẻ em ở cấp xã, phường được củng cố, tập huấn thường xuyên, đóng vai trò “tai mắt” trong cộng đồng để phát hiện sớm các hành vi vi phạm.
Ở một số địa điểm công cộng tại các khu dân cư được lắp wifi miễn phí, camera an ninh, tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng đã tạo ra môi trường gắn kết giữa công nghệ số và văn hóa truyền thống. Nhiều người trẻ đã năng động sử dụng thiết bị công nghệ, sản xuất các sản phẩm truyền thông số để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube giới thiệu các phong tục gia đình, món ăn truyền thống,... qua đó giúp lan tỏa văn hóa gia đình.
Các mô hình như “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, “Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình”, “Ngôi nhà bình yên” đang được nhân rộng. Đây là nơi trú ẩn tạm thời, hỗ trợ pháp lý, tâm lý, y tế cho nạn nhân bạo lực, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, việc hoàn thiện khung pháp lý đóng vai trò nền tảng. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, năm 2022) đã cập nhật khái niệm toàn diện hơn về bạo lực trong gia đình, bao gồm cả thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế. Luật cũng tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trong phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ nạn nhân.
Tại Hà Nội, 100% xã, phường đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo từng năm. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình yếu thế, phụ nữ đơn thân, nạn nhân bạo lực… được lồng ghép trong các chương trình an sinh xã hội, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.