Những năm qua, phong trào dạy và học tiếng Việt, lan tỏa văn hóa dân tộc đã được cộng đồng người Việt ở nước ngoài hưởng ứng sôi nổi. Bên cạnh các lớp học tiếng Việt, câu lạc bộ tiếng Việt… gia đình là nơi gieo những hạt mầm tình yêu Tổ quốc, tiếng mẹ đẻ cho thế hệ kiều bào trẻ.

Điển hình như Hội Người Việt Nam tại Pháp đã tích cực tổ chức nhiều lớp học tiếng Việt, cũng như các hoạt động sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao kết hợp lồng ghép với các chương trình giảng dạy, vui chơi cùng tiếng Việt. 

W-dc725bc8 8fd6 4ef1 bbb4 afd5f28533c6.jpg
Cha mẹ chính là người giáo viên tuyệt vời nhất của con khi học tiếng Việt. 

Nhiều gia đình Việt Nam tại Pháp đã cho con em lựa chọn ngôn ngữ tiếng Việt trong chương trình học tập tại trường phổ thông như ngôn ngữ thứ hai, để các em có nhiều cơ hội tiếp xúc hơn với văn hóa Việt Nam.

Mia Nguyễn sinh năm 2008 ở Pháp cho biết, trước khi tham gia các lớp học tiếng Việt do cộng đồng người Việt tổ chức, cô được bố mẹ dạy giao tiếp tiếng Việt tại nhà và xem các chương trình dạy tiếng Việt trên kênh VTV4, Youtube. Nhờ khả năng giao tiếp tiếng Việt nên khi học chữ, Mia dễ dàng làm quen và học đọc, viết thành thạo. Cô khẳng định, học ngôn ngữ cần phải có môi trường và bố mẹ đã tạo môi trường ở nhà để cô được nói tiếng Việt nhiều hơn. 

Ba Lan là quốc gia có đông người Việt sinh sống. Sinh ra và lớn lên tại đây, vài năm Hải My mới có dịp về thăm quê hương Việt Nam. Tuy nhiên, với khả năng tiếng Việt khá tốt nên Hải My có thể giao tiếp lưu loát với ông bà nội ngoại, họ hàng.

Hải My chia sẻ, để học nói tiếng Việt tốt, trước hết gia đình phải tạo được môi trường cho con em mình. Ngay từ bé, bố mẹ rất chú trọng đến việc dạy cô nói tiếng Việt. Bất cứ thời gian rảnh trong ngày, mẹ đều cho My đọc sách, học viết tiếng Việt. Mỗi ngày một chút, My học tiếng Việt một cách tự nhiên, đơn giản từ gia đình. 

Cô Hoàng Thị Thu Thủy, người đồng sáng lập Trường Yêu Tiếng Việt ở Brisbane (Úc) chia sẻ, rào cản lớn nhất là thiếu môn trường giao tiếp tiếng Việt thường xuyên. Ở Việt Nam, tiếng Việt được sử dụng trong mọi hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ở nước ngoài chủ yếu dùng ngôn ngữ bản địa tại trường học, nơi làm việc và trong các mối quan hệ xã hội. Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai, thậm chí thứ ba. Việc ít có cơ hội thực hành khiến các em dễ quên và ngại nói tiếng Việt. 

Khi tiếng Việt không phải là ngôn ngữ chính thức, không được dùng để giao tiếp hay phục vụ cho công việc khiến nhiều em thiếu động lực học hỏi. Các em thường ưu tiên học ngôn ngữ bản địa để hòa nhập tốt hơn với nơi mình sinh sống. 

Theo cô Thủy, gia đình chính là "pháo đài" đầu tiên và quan trọng nhất trong việc truyền thụ ngôn ngữ và văn hóa cho con cái. Trước khi các em tiếp xúc với nhà trường hay cộng đồng, gia đình là nơi các em học nói, học nghe. Ngôn ngữ được sử dụng hàng ngày trong gia đình sẽ định hình nền tảng tiếng Việt của các em. Ở nhà, các em được tiếp xúc tiếp xúc liên tục với tiếng Việt thông qua các hoạt động hàng ngày như ăn uống, trò chuyện, dặn dò... Sự lặp đi lặp lại này cực kỳ quan trọng cho việc hình thành và củng cố ngôn ngữ.

“Tôi thường nói với phụ huynh rằng, cha mẹ chính là người giáo viên tuyệt vời nhất của con. Hãy nói tiếng Việt với con thật nhiều, hãy chia sẻ với con mọi thứ dù lớn dù nhỏ bằng tiếng Việt. Đó chính là cách thức đơn giản, tự nhiên và hiệu quả nhất để giữ tiếng Việt cho con. Khi các em được nói tiếng Việt thường xuyên trong môi trường an toàn là gia đình, các em sẽ tự tin hơn khi sử dụng tiếng Việt ở ngoài xã hội hoặc khi giao tiếp với người thân ở quê nhà. Các em sẽ trở nên gắn kết hơn với quê hương và những người thân ở Việt Nam.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu cha mẹ dành nhiều thời gian để chủ động nói chuyện và chia sẻ với con, đồng thời hỗ trợ và động viên con tối đa làm bài tập và thực hành tiếng Việt ở nhà thì con cái của họ sẽ tiến bộ trông thấy sau một thời gian ngắn”, cô Thủy nhấn mạnh.