Trao đổi với báo chí bên lề họp HĐND Hà Nội, ông Lê Hồng Thăng nhận định có sự nhầm lẫn khi nghĩ Bát Tràng bán gốm Trung Quốc, Vạn Phúc bán lụa Trung Quốc là "mất thương hiệu".
|
GĐ Sở Công thương HN Lê Hồng Thăng: Các làng nghề phải trở thành trung tâm sản phẩm truyền thống. Ảnh: Chung Hoàng |
"Bát Tràng là trung tâm gốm của thủ đô, phải có các loại gốm từ Đà Nẵng, Bình Dương đến cả gốm nước ngoài. Nghệ nhân Bát Tràng khi có sản phẩm từ khắp nơi về sẽ học tập công nghệ, kỹ thuật để phát triển gốm Bát Tràng, không nên cứ đơn phương, 'nhất mẹ nhì con'...", ông Thăng nói.
"Làng Vạn Phúc còn hơn một trăm máy dệt lụa, nhiều nghệ nhân yêu nghề, vẫn có lụa Hà Đông, nhưng đó cũng là trung tâm lụa của Hà Nội, nên có nhiều loại lụa trong và ngoài nước đưa về phục mọi nhu cầu của khách hàng", GĐ Sở Công thương cho biết. "Miễn là phải thật thà về nguồn gốc sản phẩm".
Qua đó, ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh hướng xây dựng thương hiệu cho các làng nghề là kết hợp với du lịch, trở thành các trung tâm sản phẩm truyền thống để nhân dân, du khách đến thưởng thức, so sánh...
"Thương hiệu không thể đơn giản, có thể là thương hiệu làng nghề, sản phẩm, nghệ nhân... Tạo thương hiệu là cả một quá trình mà cộng đồng phải tham gia chăm chút về chất lượng, mẫu mã...", ông Thăng nói.
GĐ Sở Công thương nhận định không có thương hiệu, sản phẩm vẫn có thể tham gia thị trường, có thương hiệu rồi, thuận lợi là được biết đến nhiều, nhưng khó khăn là nếu không giữ được, không chặn được hàng giả hàng nhái, đặc biệt với thị trường quốc tế.
"Vì vậy, xây dựng thương hiệu phải cẩn thận, chỉ cho ra thương hiệu khi đã chín", ông Lê Hồng Thăng nói.
Xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống là một trong những nội dung của nghị quyết ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô được HĐND Hà Nội thông qua sáng nay (4/12).
Theo đó, Hà Nội có 7 làng nghề truyền thống là sơn khảm thôn Ngọ (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên), sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín), mây tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ), điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Sơn Đồng, Hoài Đức), lụa Vạn Phúc (Vạn Phúc, Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Bát Tràng, Gia Lâm), gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (Vân Hà, Đông Anh).
Thành phố sẽ hỗ trợ các làng nghề bằng các biện pháp cụ thể như tổ chức thi tuyển mẫu mã, mời chuyên gia nước ngoài giới thiệu nguyên vật liệu mới, xu hướng ở các thị trường mục tiêu, hỗ trợ chi phí gian hàng, vé máy bay cho việc quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước, làm đường giao thông...
Trong năm 2014 sẽ bước đầu áp dụng với làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, sau đó nhân rộng.
Chung Hoàng