– “Khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, chúng tôi tự hiểu phải thực sự vô tư. Tất cả là vì công việc. Trở về với đời thường chúng tôi vẫn là những người đàn ông, vẫn có những cảm giác, yêu thương và thích phụ nữ…”.

 

“Éo le nhiều quá lại hóa bình thường…”

 

Hơn 12h trưa, dãy hành lang tầng 2 Khoa đẻ - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn tập nập người ra vào, sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt những người nhà đang thấp thỏm ngóng đợi với lỉnh kỉnh những làn, những bọc nào tã, bỉm, sữa hay phích nước sôi… Chợt cánh cửa phòng chờ sinh bật mở: “Đoàn Thanh Vinh, con gái, 2 cân rưỡi”. Cả nhà 5 – 6 người cùng ùa vào trong phòng gương mặt như vỡ òa trong niềm vui.


Bước ra từ phòng sinh, Thạc sĩ – Bác sĩ Đỗ Khắc Huỳnh (Trưởng khoa đẻ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cười thật tươi: “Sản phụ không báo cho bác sĩ giờ đẻ nên đừng trách bác sĩ sản sai hẹn!”. Nhìn quanh, mấy suất cơm trưa vẫn đợi trên bàn đều đã nguội ngắt.

“Những bữa cơm như thế này đối với những bác sĩ sản là chuyện thường. Bữa ăn, giấc ngủ nhiều khi phụ thuộc vào sản phụ. Mà chuyện sinh nở của người phụ nữ là tự nhiên nên bác sĩ cũng phải chiều theo tự nhiên” – bác sĩ Huỳnh tâm sự.

 

Bệnh nhân nữa thường gặp những cảm giác "bối rối" với bác sỹ sản khoa nam. Vì thế, các bác sỹ
sản khoa nam phải chủ động để xóa đi cảm giác này ở bệnh nhân (Ảnh minh họa: GĐ&XH)

 

Và khi hỏi anh về những đặc biệt của một nam bác sĩ sản phụ khoa, vẫn nụ cười rất tươi anh bảo: “Ngoài những ca khó chuyện môn, là những người khác giới nên bác sĩ nam còn nhiều dạng “ca khó” khác, khó đến éo le. Nhưng éo le nhiều quá lại hóa bình thường”.

Rồi anh kể: “Rất nhiều lần cứ bước vào phòng sinh là nghe các chị em la hét, kêu khóc ầm ĩ. Những đau đớn quằn quại như dồn lại trong từng tiếng kêu ấy. Những lúc như thế những nam bác sĩ càng cảm thông với người phụ nữ. Chúng tôi lại càng ý thức làm thế nào để giúp các chị em vượt cạn được an toàn. 

Đến khi tôi bế đứa con mới sinh tới cho người mẹ xem mặt, lại thấy những giọt nước mắt, dù đã rất kiệt sức cũng cố nói: “Em cảm ơn bác sĩ! Cảm nhận được niềm hạnh phúc thiêng liêng của giây phút làm mẹ lại càng thấy quý nghề”.

 

Còn mỗi lần đi thăm khám những sản phụ sắp sinh, có những người mẹ rất trẻ từ vùng nông thôn ra vừa nhìn thấy bác sĩ nam là thẹn, quay mặt đi, có khi hỏi cũng không trả lời.

 

“Đối với những nam bác sĩ khi khám cho những bệnh nhân nữ, ngay từ những bước thăm khám ban đầu đã rất quan trọng. Khác với những nữ bác sĩ, bác sĩ nam phải tạo được niềm tin để nhận được sự đồng cảm từ phía chị em. Và khi đã làm được những điều này nam bác sĩ lại giành được lợi thế. Bởi nam bác sĩ dễ cảm nhận những bất trắc ở bệnh nhân nữ, dễ tâm sự...” – bác sĩ Huỳnh chia sẻ.

 

Xác định chọn khoa sản là nghiệp của mình, Tuấn Anh (Đại học Y Hà Nội) cũng dở khóc dở cười vì “ca khó”. Một bệnh nhân nữ đã 70 tuổi tới khám tổng quát, trong đó có cả phần khám phụ khoa. Vừa đẩy cửa bước vào, chỉ kịp nhìn thấy Tuấn Anh bà đã bước vội ra ngoài. Ra mời bà thế nào bà cũng nhất định không chịu vào khám. Lần đầu tiên ấy khiến anh rất lúng túng, chỉ đến khi một bác sĩ nữ ra xin khám cho bà, bà mới chịu vào, còn Tuấn Anh lúc ấy chỉ biết ngồi ngoài chờ bệnh nhân khám xong mới được vào phòng để tiếp tục ca trực khám.
 

Làm công tác tư vấn, giúp đỡ hỗ trợ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn vô sinh, bác sĩ Tăng Đức Cương – Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu Điện) cũng gặp không ít những chuyện đặc biệt éo le không chỉ trong phòng khám.

 

Anh bảo: “Không hiếm những đêm, đang ngủ tôi còn nhận được điện thoại của bệnh nhân xin được tư vấn. Có khi là chuyện tình cảm người vợ gọi điện tới khóc và giãi bày vì phải chịu những áp lực quá lớn từ phía ra đình, không biết phải làm sao để thuyết phục họ tiến hành điều trị hiếm muộn, nhưng cũng có khi là chuyện sinh hoạt vợ chồng. Chuyện trước, chuyện sau rồi làm thế nào để quan hệ, tư thế quan hệ… Những lúc như thế mình vẫn phải tỉnh táo để trò chuyện và tư vấn giúp họ”.

Lại có không ít lần nhiều nam bác sĩ được chính bệnh nhân ngỏ ý... xin tinh trùng để thụ tinh. Nhưng xét về điều kiện và nguyên tắc các anh đều phải từ chối khéo. “Những lúc như thế mình phải thực sự mềm mỏng nếu không sẽ làm tổn thương họ một lần nữa”.
 

Thoáng chút ngập ngừng rồi cười rất tươi, anh nói: “Đặc biệt, cũng chỉ vì là bác sĩ sản mà có lần tôi bị từ chối. Cô ấy bảo sợ chồng là một bác sĩ sản”.

“Nặng nợ vương mang”

Chọn khoa sản vừa là một sự tình cờ, nhưng cũng như cái duyên cái nợ của nhiều nam bác sĩ.

“Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được nghe nhiều đến thụ tinh trong ống nghiệm tôi đã thấy có sự đam mê đặc biệt. Càng tìm hiểu tôi lại càng thấy sự kỳ diệu của y học. Chỉ từ những phôi, những tế bào cùng sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật đã đem đến hy vọng cho biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Chọn khoa Hỗ trợ sinh sản, tôi muốn nhân lên niềm hạnh phúc ấy, những niềm hạnh phúc thiêng liêng là được làm cha làm mẹ” – anh Tăng Đức Cương chia sẻ.

Còn với Anh Tuấn đến với khoa sản cũng rất tình cờ. “Trong lần đi thực tập cho phần sản, một đêm trực tôi được thầy hướng dẫn cho tham gia vào một ca đỡ đẻ. Ban đầu cũng có nhiều ngượng ngùng nhưng khi được bế em bé đến cho sản phụ xem mặt, tôi thực sự thấy hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của lần đầu tiên bế trên tay một sự sống, một sinh linh bé nhỏ. Nhìn những giọt nước mắt của người mẹ chợt thấy những cảm xúc rất khó tả. Chỉ sau lần ấy, tôi đã quyết định sẽ chọn khoa sản là nghiệp của mình, cho dù biết sẽ có rất nhiều những khó khăn khi mình là nam”.
 

Sau bữa cơm trưa ăn vội nguội ngắt, bác sĩ Huỳnh chuẩn bị bước vào một ca sinh mổ. Rất thành thật, anh chia sẻ: “Không ít người vẫn nghĩ những nam bác sĩ sản khoa khi thăm khám cho bệnh nhân nữ sẽ thế này thế kia. Nhưng đối với chúng tôi khi khoác lên mình chiếc áo blue trắng đòi hỏi chúng tôi phải thực sự vô tư. Tất cả là vì công việc.

Cũng có người bảo chúng tôi hàng ngày tiếp xúc với nhiều phụ nữ thế sẽ bị “chai”, mất hết những cảm xúc yêu thương. Đối với chúng tôi, đã làm việc thì không có những cảm xúc. Trở về với đời thường chúng tôi vẫn là những người đàn ông, vẫn có những cảm giác, yêu thương với phụ nữ chứ”.
 

Khoác chiếc áo blue trắng anh lại cùng ekip bước vào phòng mổ.

“Ban đầu thấy chồng mình hàng ngày thăm khám tiếp xúc với không biết bao nhiêu phụ nữ tôi thực sự thấy rất khó chịu. Nhưng đến khi mang thai, sinh con rồi chăm con tôi mới thực sự cảm nhận được thế nào là có chồng làm sản. Và tôi tin chắc rằng không phải người vợ nào cũng có được những cảm giác như mình” – chị Hồng Minh (Hoàng Hoa Thám), có chồng làm bác sĩ sản tâm sự.
 

Đỗ Hồng Khanh