Theo Bộ Quốc phòng Hà Lan, sứ mệnh này nhằm mục đích bảo vệ các tuyến đường tiếp tế quan trọng vào Ukraine và ngăn chặn hoạt động của Nga gần lãnh thổ các nước đồng minh.

Đây sẽ là lần đầu tiên tiêm kích F-35, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 hoạt động ở Ba Lan dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO. Trước đây, liên minh do Mỹ đứng đầu này chỉ sử dụng các chiến đấu cơ đời cũ hơn như F-16 và Eurofighter cho nhiệm vụ tương tự.

f 35 ha lan.jpg
Tiêm kích F-35 của Hà Lan. Ảnh: Business Insider

Ông Jamie Shea, cựu phó trợ lý Tổng Thư ký NATO phụ trách các các thách thức an ninh mới nổi, nhấn mạnh sự thay đổi trên vừa mang tính biểu tượng vừa mang tính chiến lược.

"F-35 đại diện cho năng lực quân sự mạnh hơn về phòng không và thu thập thông tin tình báo, nhất là trong thời điểm Nga đang phóng khoảng 700 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo tấn công Ukraine mỗi đêm”, ông Shea chia sẻ với tờ Business Insider.

Việc triển khai sẽ diễn ra dưới dạng báo động phản ứng nhanh 24/7, với sự tham gia của các binh sĩ Hà Lan và Na Uy hoạt động chung dưới sự kiểm soát của NATO. Động thái diễn ra sau yêu cầu từ Bộ Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh châu Âu của NATO, liên quan tới việc Nga đang tăng cường không kích gần biên giới Ba Lan - Ukraine.

Trên thực tế, Nga đang đẩy mạnh tấn công cơ sở hạ tầng ở miền tây Ukraine, bao gồm các khu vực gần Lutsk và Ternopil, nơi hoạt động viện trợ và các chuyến hàng vũ khí của phương Tây thường xuyên đi qua.

"Khi Nga tiến gần hơn đến biên giới Ba Lan, nguy cơ UAV và tên lửa Nga rơi xuống lãnh thổ Ba Lan rất cao", ông Shea nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiệm vụ mới chỉ củng cố chứ không thể thay thế các hệ thống phòng không Ba Lan đang sử dụng. Không quân Ba Lan hiện chỉ có 48 tiêm kích F-16, trong khi các chiến đấu cơ FA-50 mới mua từ Hàn Quốc cũng đang được đưa vào biên chế. 

Ngoài ra, Ba Lan vẫn đang chờ tiếp nhận các tiêm kích F-35, do đó việc huấn luyện chung với các đối tác NATO giàu kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Warsaw đã đặt mua 32 chiếc F-35A từ nhà sản xuất Mỹ Lockheed Martin vào năm 2020 và dự kiến sẽ nhận những chiếc đầu tiên vào năm 2026.

Mặc dù các tiêm kích F-35 của NATO từng bay qua Estonia, nhưng hoạt động sắp tới tại Ba Lan nổi bật với khoảng thời gian triển khai dài và nhiều nước tham gia. 

Ông Andrew A. Michta, thành viên cấp cao tại Sáng kiến địa chiến lược của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định việc triển khai lần này "báo hiệu nhận thức ngày càng tăng của NATO trong việc xác định mối đe dọa từ Nga đối với liên minh là có thật và đang gia tăng. Động thái cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vấn đề về thế trận lực lượng". 

Ông Michta nói thêm, hầu hết các căn cứ quân sự lâu đời của Mỹ ở châu Âu vẫn tọa lạc tại Đức, tiền tuyến trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. "Ngày nay, Ba Lan đóng vai trò tương tự khi là trung tâm phòng thủ chính của NATO ở phía đông và là trung tâm của hành lang đông bắc”, ông Michta cho hay. 

"Ba Lan còn là tuyến đường trung chuyển quan trọng để hỗ trợ Ukraine. Việc triển khai F-35 sẽ tăng cường khả năng răn đe ở sườn phía đông và gửi thông điệp tới Moscow về cam kết của NATO đối với Ukraine”, ông Michta giải thích.