![]() |
Thông tư 22 của Bộ TT&TT quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Cùng với việc quy định cụ thể mức giá cước tối đa dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, tại Thông tư 22, Bộ TT&TT cũng quy định rõ các đối tượng được miễn, giảm giá cước dịch vụ này.
Theo đó, đối tượng được miễn giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả thủ tục hành chính gồm có: người hoạt động cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; và bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đồng thời, giảm 50% giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đối với các nhóm đối tượng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng Lao động; Thương binh và người hưởng chính sách như Thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Vợ hoặc chồng, con đẻ, mẹ đẻ, bố đẻ của liệt sĩ; Người dân thuộc hộ nghèo, ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TT&TT giao Vụ Bưu chính thuộc Bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả và đề xuất Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét, điều chỉnh mức giá cước tối đa của dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả trong trường hợp các yếu tố hình thành giá có biến động lớn.
Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn.
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) có trách nhiệm hướng dẫn Bưu điện các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.