![]() |
Lo không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc
Theo số liệu của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 22.355.645 hộ gia đình, trong đó có hơn 8 triệu hộ gia đình đang sử dụng truyền hình trả tiền và số mặt đất (chuẩn DVB-T do VTC phát sóng), còn lại là số hộ gia đình cần phải thực hiện số hóa truyền hình là hơn 14,3 triệu hộ gia đình. Nhà nước cũng đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số (vệ tinh hoặc mặt đất) các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, kinh phí thực hiện từ Chương trình này sẽ được chi từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích, với tổng số tiền 1.710 tỷ đồng từ nay đến năm 2020.
Tại Hội thảo do Cục Tần số Vô tuyến điện tổ chức giữa các nhà sản xuất đầu thu truyền hình số (STB), đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam khẳng định đã sẵn sàng và có đủ năng lực để sản xuất STB theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra của Bộ TT&TT, với giá bán ra thị trường vào khoảng 35 USD cho đầu thu số mặt đất chuẩn DVB-T2 và khoảng 38 USD cho đầu thu tích hợp cả thu số vệ tinh DVB-S2 (chưa tính bộ anten thu vệ tinh). Các STB này có thể thu các kênh chương trình không khóa mã của các mạng truyền hình số mặt đất khác nhau.
Tuy nhiên đại diện các doanh nghiệp sản xuất STB trong nước gồm Hanel, Digilink, VTV Broadcom đều có chung ý kiến, mặc dù thị trường đã có, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước cũng đã sẵn sàng, nhưng các doanh nghiệp sẽ không dám sản xuất hàng loạt và bán ra thị trường tự do bởi không cạnh tranh được về giá với hàng Trung Quốc. Hiện các doanh nghiệp trong nước đề nghị nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp trong nước sản xuất STB để phát cho các hộ gia đình chính sách. Mục đích nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường STB, tạo nguồn cung phục vụ cho quá trình số hóa truyền hình, trước mắt là thí điểm tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Theo ông Tạ Quang Sơn, Tổng giám đốc Công ty Hanel, các thành phố lớn số lượng người dân dùng truyền hình trả tiền rất lớn, nên chỉ có một số lượng nhỏ hộ gia đình đang dùng truyền hình quảng bá là phải dùng STB để thu truyền hình số. Do đó, khả năng bán STB ra thị trường tự do là rất khó khăn. Đại diện VTV cũng tỏ ra lo ngại vì STB hàng giả, hàng nhái nhập lậu vào Việt Nam sẽ cạnh tranh về giá với hàng sản xuất trong nước. Trong giai đoạn đầu, thị trường ở các thành phố lớn rất nhỏ, nếu không có chính sách rõ ràng thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không dám sản xuất hàng loạt.
Ông Nguyễn Hoàng Phong, đại diện Digilink cũng đề xuất: "Nếu nhà nước không đặt hàng sẽ không có ai dám mạo hiểm để sản xuất hàng loạt. Theo kinh nghiệm triển khai số hóa của các nước như Anh, Pháp, Hà Lan, trong giai đoạn chuyển đổi, nhà nước thầu luôn mặt hàng STB và phát cho người dân không phân biệt hộ nghèo hay hộ gia đình chính sách".
Trong khi các doanh nghiệp trong nước còn chần chừ, trông đợi chính sách đặt hàng của nhà nước thì một số doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chân cung cấp các loại STB DVB-T2 vào Việt Nam, với thương hiệu APH, Quisheng có giá từ 600.000 – 700.000 đồng, tuy nhiên những sản phẩm này chưa được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Không đặt hàng là phương án tốt nhất
Câu chuyện nhà nước đặt hàng hay không đặt hàng sản xuất STB cung cấp cho hộ gia đình chính sách đã được đặt ra với nhiều ý kiến khác nhau. Ông Trần Dũng Trình, Phó Tổng giám đốc VTV cho rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước rất quan trọng, bởi nếu không các doanh nghiệp trong nước sẽ không dám sản xuất vì sợ bán không ai mua, không cạnh tranh nổi về giá. Do đó, rất cần nhà nước có chính sách vừa khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất STB, vừa tạo thuận lợi cho người dân. Ông Trình cho rằng, nhà nước không nên đặt hàng, mua STB rồi phát cho dân, mà nên dùng hình thức phát coupon (phiếu mua hàng) để doanh nghiệp tự mua loại STB của các doanh nghiệp trong nước ngoài thị trường. Nếu mua STB do các doanh nghiệp trong nước sản xuất sẽ được trừ tiền theo giá trị coupon, người dân muốn mua loại nào tùy thích.
Còn Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, nếu nhà nước không đặt hàng doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc, bởi linh kiện đều nhập từ Trung Quốc nên khó có thể làm rẻ hơn. Số lượng STB cung cấp cho các gia đình chính sách theo lộ trình số hóa mỗi năm số lượng cũng không nhiều. Ví dụ, Đà Nẵng và Quảng Nam chỉ cần khoảng hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua STB nên Đà Nẵng cũng không cần Trung ương hỗ trợ. Thứ trưởng Thắng đặt câu hỏi: Cần cân nhắc kỹ xem có nên thực hiện cơ chế đặt hàng hay không?
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, STB là mặt hàng dễ sản xuất, đơn giản, tư nhân có thể làm được, do đó cần cần nhắc kỹ xem có nên quay trở lại phương thức đặt hàng như thời bao cấp hay không? Đặt hàng là phương án chưa bị loại trừ ngay nhưng cần nghiên cứu kỹ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cũng cho hay, sản xuất STB là sản phẩm được hưởng ưu đãi về công nghệ cao. Tuy nhiên những ưu đãi này cũng không giúp các doanh nghiệp cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc, mà chỉ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh về chất lượng.
Liên quan đến việc đặt hàng hay không đặt hàng sản xuất STB phục vụ lộ trình số hóa truyền hình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã có chỉ đạo: Cần để thị trường tự do phát triển, nếu doanh nghiệp trong nước làm không tốt, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nhảy vào. Cơ chế đặt hàng dễ sinh ra độc quyền, dẫn đến giá cao, chất lượng thấp, do đó, doanh nghiệp trong nước phải sản xuất với giá thấp, chất lượng tốt để cung cấp ra thị trường. Nhà nước không đặt hàng là phương án tốt nhất, bất đắc dĩ mới phải đặt hàng. Trước mắt phục vụ cho thị trường Đà Nẵng, các doanh nghiệp nên lấy Đà Nẵng làm mục tiêu thí điểm, để người dân có quyền tự lựa chọn, người được hỗ trợ sẽ mang phiếu hỗ trợ đến để mua hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất và được trừ tiền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
"Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ thị trường Việt Nam. "Người Việt Nam chỉ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chứ không nên áp đặt người dân", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.