Vừa qua ngày 6/12/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 9753/UBND-KGVX gửi lên báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Khoa học & Công nghệ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có những đề xuất kiến nghị khá táo bạo.
![]() |
Theo đó Đắk Lắk đề nghị Chính phủ xây dựng các chính sách cơ chế và các giải pháp có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng, trong đó đề xuất chính sách, cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, bảo đảm tính khả thi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật và các cơ chế chính sách bảo đảm tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng.
Đặc biệt Đắk Lắk đề nghị Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin cho vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Đắk Lắk cũng đề nghị ưu tiên phát triển nguồn lực cho vùng Tây Nguyên để triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế xã hội.
Như đã đưa về tình hình triển khai tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của Đắk Lắk, ngày 2/6/2017 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 4271/UBND-KGVX chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 16, trong đó chỉ đạo cụ thể Sở TT&TT tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích và sự cần thiết của việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Từ đó lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường quán triệt nội dung Chỉ thị 16 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng và hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản để rà soát lại nhiệm vụ, xac định những lĩnh vực, nội dung tiếp cận, nhiệm vụ phù hợp để ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó các sở, ngành cần phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thuộc các lĩnh vực, đề xuất quy hoạch phát triển vùng, địa phương, lựa chọn và đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng.
Vì thế UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả thực hiện đến nay, đó là các sở ban ngành tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về nhân lực, hạ tầng ứng dụng và CNTT, chú trọng phát triển hạ tầng kết nối số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các cơ hội phát triển phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà nền tảng là công nghệ số.
Một kết quả ban đầu nữa là xúc tiến xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; rà soát lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của huyện bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.
Như đã biết trong Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nêu không ít các giải pháp cụ thể, trong đó trước hết rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo đó các địa phương như Đắk Lắk cần rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh.
Một giải pháp khác là rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó các cơ quan, ban ngành, địa phương cần tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như có cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp với tôn chỉ doanh nghiệp là trung tâm.
Đơn vị cần đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước.
Và giải pháp nữa là nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Ở một số tỉnh thành khác cũng sẽ có báo cáo về cách mạng công nghiệp 4.0 như Đắk Lắk. Như mới đây ngày 15/11/2017 UBND tỉnh Bình Định đã có Công văn giao Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg theo hướng dẫn của Bộ Khoa học & Công nghệ, gửi Vụ Công nghệ cao thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và UBND tỉnh.