Gửi lời xin lỗi ĐBQH vì một câu hỏi liên quan đến "chuyên môn sâu" cần phải kiểm tra lại, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tận dụng hơn tiếng rưỡi đăng đàn để giải đáp các vấn đề liên quan đến khai thác bôxit, thủy điện xả lũ, thiếu điện, nhập siêu...


Dàn nhạc lỗi, nhạc trưởng phải chỉ ra nhạc công nào kém

Bộ trưởng Công thương là người nhận được nhiều câu hỏi chất vấn bằng văn bản nhất (28), và sáng nay (22/11), hầu như sau mỗi câu trả  lời của ông, các ĐB đều đứng lên hỏi lại.

Dự án bôxit là công trình quan trọng về an ninh, quốc phòng

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề cập đến các dự án khai thác bôxit  sau khi dẫn số liệu cho thấy tình trạng thiếu điện còn kéo dài. "Bộ trưởng giải thích ra sao về hiệu quả kinh tế khi các chuyên gia cảnh báo rằng dự án chỉ hiệu quả nếu đặt ở những nơi thừa nước và thừa điện?".

Bộ trưởng Hoàng cho hay, quyết định đặt địa điểm hai dự án khai thác bôxit đã được Bộ Chính trị thông qua.


 
 Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn sáng 22/11. Ảnh Lê Anh Dũng.

"Xét hiệu quả kinh tế thì các con số đều cho thấy nếu đặt nhà máy ở ven biển hiệu quả cao hơn ở Tây Nguyên. Nhưng ở đây ta phải xem xét đầy đủ hiệu quả kinh tế, xã hội, chính trị và tác động lan tỏa", ông Hoàng vắn tắt.


Đặt 2 nhà máy ở Tây Nguyên là quyết định đem lại lợi ích cho tỉnh. Người dân đã chịu hy sinh đất đai phải được bù đắp bằng việc làm.

Các hồ chứa được cam kết đảm bảo đủ nước cho cả nhà máy lẫn sinh hoạt.


"Riêng chuyện thiếu điện, trong tình hình hiện nay dù đặt nhà máy ở ven biển thì điện vẫn là một vấn đề  phải xử lý", ông Hoàng thú thực.

Trước câu hỏi thứ hai của ĐB Nguyễn Lân Dũng về việc làm rõ cam kết "chống thấm hồ chứa bùn đỏ là an toàn tuyệt đối và dung dịch sau đó sẽ được xử lý", Bộ trưởng Hoàng đành "khất" và "hết sức xin lỗi" ĐB Dũng sẽ tham khảo chuyên gia và trao đổi sau bởi lẽ vấn đề mang tính kỹ thuật nên ông "không được thạo lắm".

Ngoài chuyện hồ chứa bùn đỏ, ĐB Nguyễn Lân Dũng còn đặt câu hỏi về nguy cơ hồ chứa bùn đỏ sẽ bị thế lực thù địch phá hoại cũng như về hiệu quả kinh tế.

"Khi phải đầu tư hạ tầng giao thông lớn để vận chuyển, Bộ trưởng có tin là dự án hiệu quả không? Bộ trưởng nói bù lại hiệu quả kinh tế bằng trồng cây công nghiệp, phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Nhưng không phải là đất bazan thì trồng cây kiểu gì, rồi xa xôi, ai đến mà phát triển du lịch văn hóa?", ông Dũng hỏi.

Bộ trưởng Công thương khẳng định, các dự án khai thác bôxit được xác định là công trình quan trọng về an ninh quốc gia nên yêu cầu và điều kiện an toàn phải cao hơn công trình khác.

Tỷ lệ hoàn vốn của dự án Nhân Cơ, theo ông Hoàng lên tới 8,24%. Đây là tính toán của Hội đồng thẩm định (Bộ Công thương) với 18 chuyên gia đầu ngành và Viện kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng).


Thủy điện xả lũ: Ai vi phạm phải chịu trách nhiệm

Liên quan đến cuộc tranh luận kéo dài từ năm ngoái tới nay về việc có hay không chuyện thủy điện xả lũ gây lụt dưới hạ du, các ĐBQH miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục mong Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm "trọng tài" đưa ra chính kiến.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) dẫn một văn bản Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vừa trả lời ngay trước phiên chất vấn, nói thủy điện "vô can".


 
 Bộ trưởng có tin là dự án hiệu quả không? - ĐB Nguyễn Lân Dũng chất vấn Bộ trưởng Công thương về dự án bôxit Tây Nguyên.

"Nhưng Bộ trưởng trả lời chung chung, không đưa ra số liệu minh chứng trong khi theo số liệu các sở, đài  khí tượng thủy văn đưa ra thì rõ ràng có sự liên quan. Mong Bộ trưởng trả lời một cách thuyết phục hơn bằng số liệu, nếu Bộ trưởng nói là vô can thì vì sao vô can", ĐB Hương nói.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp lại: "Tôi chưa bao giờ có câu trả lời về sự không liên quan giữa lụt và thủy điện. Có nhiều nguyên nhân gây ra lũ lụt, xin chia sẻ thiệt hại với đồng bào".

Vẫn không đưa ra một lời khẳng định rõ ràng, Bộ trưởng Công thương chỉ nói, nếu các công trình thủy điện tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ, tăng cường kiểm soát thì sẽ hạn chế tối đa thiệt hại.

Thực tế, một số nơi chưa làm đúng quy trình.

Ban quản lý dự án sông Ba Hạ chỉ báo việc xả lũ với Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt chứ không báo với UBND tỉnh như quy trình. Bộ đã yêu cầu kiểm tra và xác định nguyên nhân, nếu xác định đúng thủ phạm sẽ kiên quyết xử lý. "Ai gây ra thiệt hại thì phải bồi thường", Bộ trưởng cho hay.

Thủy điện Hố Hô đang xây dựng dở dang, thiếu các thiết bị phụ, lũ về gây thiệt hại cho cả nhà máy và hạ du.

Theo ông Hoàng, thủy điện vẫn là "năng lượng sạch", chỉ cần khắc phục một số mặt trái (lũ lụt, phá rừng). Sắp tới, tỷ lệ nhà máy thủy điện sẽ giảm từ 35% xuống 30% trong tổng sơ đồ điện.

"Bộ công thương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện. Dừng hoặc điều chỉnh dự an tác động xấu môi trường", ông Hoàng nói.

Bộ trưởng Công thương nói rằng, ông không nhận được câu hỏi nào của ĐB Hương và chưa từng trả lời ĐB Hương về chuyện này.

Cầm trên tay văn bản có ghi số, mục cụ thể, ĐB Hương giải thích, đây không phải văn bản trả lời riêng mà là câu trả lời chung Bộ trưởng gửi cho các ĐBQH. "Tôi chỉ muốn hỏi chính kiến của Bộ trưởng trước vấn đề này như thế nào nhưng Bộ trưởng vẫn trả lời không rõ ràng", ĐB Hương nói.


Các nhà máy nhiệt điện đều trục trặc

Ngoài hai câu chuyện "liên đới" đến điện đóm như bôxit và lũ lụt ở trên, thì phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương "nóng" ngay từ đầu bởi những câu hỏi vốn đã từng được các ĐBQH đặt ra từ nhiều phiên trước như, bao giờ có thị trường điện cạnh tranh? Khi nào hết thiếu điện? Sau tái cơ cấu, tại sao EVN vẫn sẽ nắm giữ tới 60%?

Trả lời các câu hỏi của ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Phạm Thị Loan (Hà Nội)... Bộ trưởng Hoàng nói, đến 2015, kết thúc quy hoạch sơ đồ điện VI cũng chỉ có thể đạt 80% mục tiêu đề ra. Chính phủ đang triển khai sơ đồ điện VII.

 
 Tướng Đồng Sỹ Nguyên, người từng có thư gửi các cấp lãnh đạo có thẩm quyền cảnh báo nguy cơ từ việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn cũng đến dự thính tại phiên chất vấn sáng 22/11. Ảnh Lê Anh Dũng.

Để có đủ điện, vẫn phải đảm bảo nguồn điện, vận hành và ổn định các nhà máy. Sau khi tái cơ cấu thì EVN vẫn là DN chủ lực, chịu trách nhiệm cung ứng điện nên đảm bảo vốn cho EVN là tối cần thiết.

Ngoài việc để DN tự thu xếp vốn, Chính phủ sẽ hỗ trợ bằng các ưu đãi  khi đi đàm phán với đối tác ngoại, xem xét phát hành trái phiếu quốc tế. Tháng 12 sẽ trình Thủ tướng xem xét lộ trình điều chỉnh giá điện.

Trả lời ĐB Phạm Thị Loan về việc nhà thầu EPC Trung Quốc sử dụng công nghệ lạc hậu, Bộ trưởng Công thương cho hay, ông "chưa nghe thông tin nào như vậy".

Bộ trưởng Hoàng giải thích, khi đấu thầu các nhà máy nhiệt điện, yêu cầu đầu tiên phải đáp ứng tiêu chuẩn thiết bị kỹ thuật, sau đó mới đến giá, ưu tiên các nhà thầu có mức giá thấp.


"Khi chúng tôi kiểm tra cũng phát hiện ra 1 số khiếm khuyết, nhưng đa số là ở các thiết bị phụ. Còn thiết bị chính không vấn đề gì", ông Hoàng nói.

Đứng lên "chia lửa" cùng Bộ trưởng Công thương, ông Võ Hồng Phúc (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT) cho hay, hiện các dự án nhiệt điện đều có vấn đề, đều trục trặc và chậm tiến độ. Nguyên nhân do năng lực chủ đầu tư, quá trình đấu thầu không chọn được nhà thầu tốt nhất. Chẳng những công nghệ kém mà giá chưa phải mức rẻ nhất.

Vẫn còn một số câu hỏi chờ đợi Bộ trưởng Công thương ở phiên trả lời chiều nay.

Chỉ sợ vòng vo


Ghi nhận của phóng viên bên lề phiên chất vấn Quốc hội sáng 22/11.


ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa):


Báo cáo của Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng hơi dài. Các thủ tục tiến hành chất vấn cũng không được gọn nhẹ nên mất đi 1,5 tiếng, thời gian còn lại cho chất vấn buổi sáng hơi ít. Chúng tôi cũng rất sốt ruột khi nghe báo cáo.


Có ĐB thực ra chưa nêu câu hỏi chất vấn mà là phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri, đề nghị Bộ xem xét. Chất vấn phải khác, gọn, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân, trách nhiệm, chứ còn thế này chỉ nêu ý kiến bức xúc của cử tri để phản ánh với Quốc hội, Bộ trưởng xem xét giải quyết thôi.


Tôi nghĩ các thông tin về nội dung chất vấn đã được gửi đến các đại biểu rồi. Vấn đề các đại biểu sử dụng thông tin đó như thế nào, thể hiện vai trò của mình với cử tri, với đất nước ra làm sao, phải làm thế nào nghiên cứu, có những chuẩn bị kỹ hơn, gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề cần hỏi, nhất là cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, hướng khắc phục.


Lần này là kỳ họp cuối cùng, có nhiều Bộ trưởng trả lời 2-3 lần chất vấn nên cũng có kinh nghiệm. Các Bộ trưởng nên đi thẳng vào các vấn đề đại biểu hỏi và cử tri quan tâm. Đặc biệt tránh vòng vo, giải trình mang tính chất thanh minh, nêu chung chung, mà cần đi thẳng vào nguyên nhân, trách nhiệm.


Nếu Bộ trưởng dũng cảm nhận trách nhiệm thì sẽ tạo nên dấu ấn không những với Quốc hội mà với cử tri cả nước nữa. Nếu cứ vòng vo thì không những cử tri có trình độ nhận thức ra người nào phát biểu đúng, người nào thể hiện trách nhiệm của mình mà sẽ làm lu mờ vai trò, ảnh hưởng của bộ trưởng đối với việc tín nhiệm trong nhiệm kỳ tới.


ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội): Cần biết cách hỏi


Diễn biến đầu giờ chất vấn chậm dù báo cáo dân nguyện tôi cho là như vậy không phải dài, bởi vì nhiều vấn đề phải đề cập. Lần đầu tiên giám sát và báo cáo chuyên đề của Quốc hội về những vấn đề mà kỳ họp trước các bộ đặt ra, với 45 phút không dài.


Tuy nhiên tôi sợ nhất các đại biểu Quốc hội vòng vo, không tập trung. Các đại biểu hỏi đầu giờ sáng không tập trung.


Phần trình bày của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tôi cho là vừa đủ.

Tôi nghĩ điều phụ thuộc nhất là các đại biểu. Các đại biểu hỏi mà không biết cách hỏi thì sẽ không giải quyết vấn đề gì.


Về chất vấn, các đại biểu sẽ quan tâm, trông đợi nhất ngày Thủ tướng trả lời. Các Bộ chủ yếu đã trả lời văn bản, còn người ta sẽ quan tâm Thủ tướng. Thủ tướng sẽ dành một buổi mình cho là đủ.


ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM):


Ở phần chất vấn đầu giờ sáng, đại biểu hỏi dài, không tập trung. Trong khi đó cần phải có thời gian để chất vấn qua lại giữa người hỏi và người trả lời để thấu đáo. Báo cáo trình bày trước phiên chất vấn nên tập trung vào vấn đề nóng, nổi bật để tiết kiệm thời gian, vì các đại biểu đều đã được gửi văn bản trước rồi.


  • Xuân Linh