Chiều 26/9, TP.HCM đón cơn mưa lớn, khiến đường phố nhiều quận, huyện ngập trong biển nước. Các phóng viên của Zing.vn đã có mặt tại nhiều điểm nóng để đưa tin về tình hình giao thông trong cơn mưa này.

Trong đó, bức ảnh cô gái ngập trong biển nước khi đang loay hoay trên chiếc xe gắn máy gây ấn tượng mạnh với nhiều người. Bức ảnh do phóng viên Thanh Tùng chụp tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh và đăng trên Zing.vn vào lúc 18h48'.

Một giờ sau, trên một nhóm Facebook về nhiếp ảnh, người dùng tên Duy Thế đã đăng tải tấm hình này, nhận mình là tác giả. Bài đăng nhận được gần 2.000 lượt thích và hơn 50 người chia sẻ.

Không lâu sau đó, nhiều người dùng đã nhận ra sự trùng hợp của hai bức ảnh trên. Trả lời các bình luận này, người dùng Duy Thế cho biết đây là ảnh do mình chụp bằng điện thoại iPhone 6S trong lúc ngồi cà phê chờ mưa tại quận 10, TP.HCM.

Dao anh ngap lut o Sai Gon de song ao, cau like hinh anh 1
Bài đăng nhận bức ảnh do mình chụp của Duy Thế nhận được hàng nghìn lượt like.

Nhiều người sau đó yêu cầu được xem ảnh gốc, nhưng Duy Thế không thể cung cấp bằng chứng, và một mực cho rằng phóng viên đã lấy ảnh của anh để đăng tin. Sau đó, anh đăng một bức ảnh mờ hơn, được coi là ảnh gốc để chứng minh.

Nhiều người dùng phát hiện những điểm vô lý trên bức ảnh của Duy Thế và đặt nghi vấn, đáp lại, người này vẫn khăng khăng nhận bức ảnh là của mình.

Dao anh ngap lut o Sai Gon de song ao, cau like hinh anh 2
Dao anh ngap lut o Sai Gon de song ao, cau like hinh anh 3
Ảnh gốc của Phóng viên Thanh Tùng cung cấp với đầy đủ thông tin về ngày giờ, thiết bị chụp, trong khi bức ảnh do Duy Thế cung cấp không hề có thông tin tương tự.

Tài khoản Phạm Hồ Thảo Linh bình luận: "Em nghi ngờ về nguồn gốc của tấm này quá. Thớt (chỉ Duy Thế - PV) không yêu nghề tới nỗi đi cà phê mà lội nước tới lưng để chụp tấm này".

Số khác cho rằng các bức ảnh của Duy Thế cung cấp đều khá mờ, và khả năng chụp được bức ảnh đêm, xóa phông mạnh với chất lượng cao bằng iPhone 6S là điều rất khó. Chưa kể, việc lội mưa liều lĩnh thiết bị không chống nước và đắt tiền để chụp ảnh là điều khó hiểu.

Dao anh ngap lut o Sai Gon de song ao, cau like hinh anh 4
Khi được đặt câu hỏi về hoàn cảnh chụp bức ảnh, Duy Thế không đưa ra câu trả lời trực tiếp. Người này cho rằng đang bị "ghen tỵ" và không quan tâm đến điều đó.

Không giải thích thỏa đáng, nhiều bình luận cho rằng Duy Thế đã "ăn cắp" hình để "sống ảo", "câu like". Đáp lại, Duy Thế cho rằng mình là người làm trong ngành truyền thông, quen biết nhiều nhà báo, nên việc đăng hình bị lấy là bình thường.

Trước nhiều nghi ngờ, người này bắt đầu ngưng bình luận trên bài đăng của mình. Trong khi đó, ban quản trị nhóm chơi ảnh này cho biết, họ đang chờ Duy Thế vào phản hồi và sẽ ban (cấm) tham gia vào sáng mai.

Cơn mưa lớn nhất năm chiều 26/9 cũng chứng kiến sự bùng nổ về chia sẻ hình ảnh, thông tin trên các kênh mạng xã hội. Nhiều người dùng đăng tải các hình ảnh khu vực mình đang đứng, cũng như cảnh báo bạn bè, người thân về các vùng đang tắc đường, ngập nước.

Nhiều hình ảnh, video ghi lại cơn mưa gây sốt trên mạng xã hội. Trong đó, đoạn clip dòng nước xiết cuốn trôi xe máy của tác giả Đoàn Phạm nhận được hơn 100.000 chia sẻ và 3,8 triệu lượt xem (tính đến hết ngày 26/9).

Video của Đoàn Phạm và ảnh của người dùng mạng xã hội được nhiều tờ báo dùng lại. Việc báo chí sử dụng hình ảnh, thông tin từ mạng xã hội hiện không còn hiếm. Với lợi thế về vị trí, tiếp cận nguồn tin, người dùng mạng xã hội cung cấp nhanh và chân thực các sự vụ diễn ra xung quanh mình.

Trong khi đó, báo chí sử dụng lại thông tin mạng xã hội lại cần xác thực độ tin cậy đảm bảo bài viết đưa ra có tính xác thực. Xu hướng báo chí sử dụng các nguồn tin từ Facebook, Twitter... hiện trở nên phổ biến với nhiều tờ báo lớn trên thế giới.