- Tiền lương và thưởng Tết đến sát ngày nghỉ mới “đổ” về tài khoản, không ít dân công sở nháo nhác tìm mối vay nặng lãi để mua quà biếu sếp hoặc sắm Tết gửi về quê.

Thấp thỏm chờ thưởng Tết

Chị Tuyết (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm việc tại một công ty kế toán cho biết: “Thưởng Tết thì mọi năm đều có, nhưng hầu như năm nào cũng rất muộn, thậm chí đến ngày làm việc cuối cùng mới được phát thưởng”, cũng bởi vậy chị cho biết thêm năm nay kế hoạch sắm tết của vợ chồng vẫn đang tạm hoãn “vô thời hạn”.

Còn anh Khoa - giám định viên tại một công ty bảo hiểm thẳng thắn cho biết: “Tôi không quan tâm đến thưởng tết nữa vì ở cơ quan tôi chưa bao giờ thưởng tết mà mua nổi một cành đào mang về”.

Nở rộ dịch vụ cho vay nặng lãi trước Tết

Không chỉ giới văn phòng “ngóng chờ” thưởng Tết, mà rất nhiều người lao động làm công trong các công ty, doanh nghiệp cũng mong tiền thưởng Tết hơn bao giờ hết. Vì xa gia đình cả năm, dành dụm chắt chiu từng đồng để gửi về quê nuôi con ăn học nên không thể tích lũy được một khoản tiền đủ để sắm tết.

"Nhìn người người ra đường sắm Tết mà cũng thấy chạnh lòng nhớ các con ở quê, giờ này chúng nó cũng mong tôi về lắm rồi” - anh Bắc, công nhân bốc vác vật liệu xây dựng (quê Thạch Thành, Thanh Hóa) chia sẻ.

Tết nguyên đán cũng là dịp họ mong có thật nhiều quà Tết để về đoàn tụ cùng gia đình, nhưng thưởng Tết cho công nhân trong các doanh nghiệp còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc ông chủ có “chi thoáng” hay không.

Anh Bắc nói thêm: “Hai năm làm công nhân bốc vác vật liệu xây dựng, Tết đến tôi được chủ doanh nghiệp cho đủ tiền xe về quê với túi quà có hộp bánh, lạng chè, chai rượu. Nhiều lúc muốn mua quà thành phố cho con mà thôi đành ngậm ngùi”.

Còn chị Phúc (huyện Duy Tiên, Hà Nam) lên Hà Nội làm giúp việc cho gia đình nhà chủ được 4 năm, mỗi năm chỉ về quê 2 lần, mỗi lần 3 ngày. Chị cho biết: “Gia đình nhà chủ đối xử rất thoáng, nhưng thưởng Tết và cho về quê rất muộn, năm nào cũng là 28 tết mới nghỉ. Làm ăn xa nhưng về quê chị cũng chỉ biết giữ chặt túi tiền mang về mà không kịp sắm quà Tết cho gia đình”.

Không có thưởng thì phải…đi vay lãi

Khoản tiền thưởng tưởng như một khoản “khuyến mại” để khích lệ người lao động nhưng đôi khi lại đóng vai trò “sống còn” với nhiều người trong dịp Tết đến xuân về.

Mới nhận công tác trong một doanh nghiệp ở Hà Nội, Việt Hùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, để làm quen với anh em trong phòng, anh cất công chuẩn bị quà Tết cho từng người, đặc biệt quan trọng là biếu sếp.

Dân công sở xáo xác tìm nơi vay lãi để sắm Tết

Kẹt một nỗi liên hoan ăn mừng đã gần hết tiền, thưởng Tết muộn và “hình thức” nên không còn cách nào khác anh đã phải cắn răng đi vay lãi số tiền 20 triệu đồng, thế chấp bằng chiếc xe máy tay ga mới mua để có tiền sắm Tết cho gia đình và mua quà biếu.

Lãi suất trung bình là 5.000đ/1 triệu/ngày, nhưng giáp Tết vay được tiền cũng khó, nên anh đành chấp nhận lãi suất cao hơn là 8.000đ/1 triệu/ ngày. Vậy là mỗi ngày anh mất 160 ngàn đồng.

Sau gần 2 tuần tiền lãi đã hơn 2 triệu đồng. “Lo lắng trả số tiền vay chắc ăn tết cũng mất ngon. Và dù không muốn, nhưng bí quá càng để lâu càng lãi nhiều nên đành phải chịu cảnh đầu năm đi trả nợ" - anh nói.

Cùng chung cảnh ngộ trên, Thành Trung (Nghệ An) muốn sắm quà Tết về quê mà không tiết kiệm đủ tiền nên đành đi vay. "Thưởng Tết năm nay ít quá, tính đi tính lại chỉ còn cách đi vay, vay bạn bè cũng không ổn, đành đi vay lãi ra giêng rồi tính vậy”.

Trung mới ra trường được hơn một năm, lương thấp cộng thêm rất nhiều khoản phải chi tiêu, nên mỗi tháng cậu không tiết kiệm được là bao. “Trong gia đình, tôi là con lớn nên đi làm cả năm mà không mua quà về nhà thì không thể được”.

Qua thông tin tìm hiểu trên mạng, cậu liên hệ đến số điện thoại: 09751154.. để hỏi vay lãi, được cho biết buộc phải thế chấp đồ vật có giá trị mới được vay tiền. Cậu đã thế chấp chiếc Laptop Dell để vay 5 triệu đồng/ lãi suất 5.000đ/1 triệu/ ngày. Mỗi ngày mất 25 ngàn đồng để có thể trang trải “quà tết”.

Không dám đi vay mà bán đồ lấy tiền sắm Tết, Hồng Khuyên (Sơn La, nhân viên văn phòng) đã bán chiếc Nokia X6 yêu thích mới dùng gần 2 tháng cho một hiệu cầm đồ trên đường Láng được 4 triệu, mua máy Nokia1202 dùng tạm, dành tiền sắm quà Tết về quê, vì “năm nay giá cả tăng quá, thưởng lại muộn, để đến giáp tết sợ giá cả lại leo thang”.

Ngọc Sơn (Ninh Bình, công nhân xây dựng tự do) thì khác, trót thử vận đỏ đen đến nỗi nhẵn túi, thưởng tết của đơn vị không đủ trả tiền thua. Không còn cách nào khác, anh đành “gửi tạm” xe vào hiệu cầm đồ lấy 7 triệu đồng lấy tiền sắm sửa. Anh cho biết sẽ tranh thủ dịp đầu xuân đi buôn bán quà lưu niệm ở các điểm du lịch để bù tiền lãi cầm xe.

Tâm lý chung của người lao động là “làm cả năm, trông chờ nhất là dịp này”, ấy vậy mà nhiều người lao động lại phải thất vọng tìm mọi cách để xoay sở với các chi phí, và không có… thì phải đi vay, không được thì đành phải… vay lãi để "có Tết".

  • Anh Đức