
Tới dự lễ kỷ niệm có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương; các lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; cựu chiến binh, cựu CAND, cựu thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến cùng đông đảo đồng bào...
Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của đại biểu quốc tế, phóng viên báo chí nước ngoài.
Khoảng 13.000 người tham gia diễu binh, diễu hành, gồm Quân đội, Dân quân tự vệ và Công an; Quân đội 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; các ban ngành, đoàn thể xã hội.
Lễ kỷ niệm gồm các phần: Chương trình nghệ thuật, nghi lễ Chào cờ, diễn văn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu của đại diện Cựu chiến binh, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam, chương trình diễu binh, diễu hành và kết thúc bằng nghi thức thả chim bồ câu.
Các khối diễu binh, diễu hành dự kiến xuất phát lúc 8h từ trục đường Lê Duẩn, phía trước hội trường Thống Nhất, sau đó các đoàn sẽ chia làm 4 hướng đi về các điểm tập kết. Cùng với đó, lực lượng Không quân Việt Nam sẽ có màn trình diễn ấn tượng như kéo cờ, máy bay tiêm kích nhào lộn trên bầu trời.

Cách đây đúng 50 năm, trước thời cơ lịch sử, Đảng ta đã hạ quyết tâm chiến lược, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, chỉ trong thời gian ngắn, với ý chí và sức mạnh quật cường, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi, một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".
Ấm lòng tình quân dân ngày 30/4
Người dân đứng chờ và giao lưu cùng các chiến sĩ tại điểm lên xe. Dòng người chỉ giãn đi khi đoàn xe lăn bánh về đơn vị.

Chiến sĩ trẻ Đinh Dương Quý (sinh năm 2001) rạng rỡ giao lưu cùng người dân, chia sẻ niềm tự hào: "Em và đồng đội đã nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Niềm hạnh phúc lớn lao hơn cả là được tận mắt chứng kiến tình cảm yêu mến, sự chờ đợi dõi theo của người dân dành cho chúng em."






Cái ôm chúc mừng chiến sĩ phi công hoàn thành nhiệm vụ
Tại sân bay Biên Hòa, sau khi hoàn thành màn trình diễn trên bầu trời TPHCM, gia đình phi công Nguyễn Đình Giang trao hoa chúc mừng anh đã hoàn thành nhiệm vụ.



Chiến sĩ diễu binh rạng rỡ trong vòng tay người dân
Sau khi hoàn thành phần diễu binh ngang qua lễ đài, các khối quân đội, công an tỏa ra 4 hướng về điểm tập kết giữa tiếng hò reo động viên của đông đảo người dân TPHCM. Giữa biển người hân hoan vẫy chào, các khối diễu binh uy nghiêm tiến bước trong niềm tự hào. Các chiến sĩ cũng không giấu được niềm vui khi đón nhận tình cảm nồng nhiệt từ nhân dân. Rất nhiều người đi ra tận xe để tạm biệt các chiến sĩ.













Các khối diễu binh, diễu hành tỏa ra 4 hướng
Khối diễu binh, diễu hành tiếp tục tỏa ra các tuyến phố chính. Hướng 1 di chuyển theo lộ trình đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Thị Nghĩa - Ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương - Cách Mạng Tháng 8. Các lực lượng tại hướng này sẽ tập kết ở công viên Tao Đàn.
Hướng 2 di chuyển theo hướng Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Vòng xoay Mê Linh. Các lực lượng ở hướng này tập kết tại bến Bạch Đằng.
Hướng 3 di chuyển theo lộ trình đường Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng. Các lực lượng tập kết tại sân vận động Hoa Lư.
Hướng 4 di chuyển theo lộ trình đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hai Bà Trưng. Các lực lượng tập kết tại công viên Lê Văn Tám. Điểm theo dõi diễu binh trực tiếp: Trục đường Lê Duẩn, khu vực Hội trường Thống Nhất.
Dưới thời tiết nắng nóng, hàng nghìn người dân, du khách trên nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM vẫn chờ đợi hàng giờ đồng hồ để cổ vũ các khối diễu binh, diễu hành. Người dân đứng kín hai bên đường vỗ tay, vẫy cờ khi từng khối diễu binh đi qua. Đi bên cạnh đoàn diễu binh, diễu hành là đội hậu cần khoảng 5-7 người làm nhiệm vụ xử lý sự cố.
Khi đội hậu cần đi qua, người dân hai bên đường, đặc biệt là các em nhỏ vui vẻ bắt tay các chiến sĩ. Trên khắp tuyến đường, hàng nghìn người dân đứng hai bên theo dõi, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Nhiều người dùng điện thoại ghi lại hình ảnh 50 năm mới có một lần.






Người dân nồng nhiệt đón chào các khối diễu binh, diễu hành. Chiến sĩ Quân đội, Công an đi trong vòng tay nhân dân

Các khối nghi trượng, diễu binh, diễu hành tiến vào lễ đài
Trong không khí tưng bừng của ngày chiến thắng, non sông tụ hội về đây kỷ niệm một trang sử hào hùng của dân tộc. Đội hình diễu binh, diễu hành tái hiện khí thế hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với phương châm “thần tốc, táo bạo”, với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, các đoàn quân tiến vào Sài Gòn đã giành thắng lợi hoàn toàn vào trưa ngày 30/4/1975.
Chiến thắng thể hiện khí phách, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; sự lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới, sáng tạo; thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.


Cách đây 50 năm, trong những ngày tháng 4 lịch sử, 5 cánh quân cùng các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị quần chúng đồng loạt tiến vào Sài Gòn: Hướng Bắc là Quân đoàn 1, hướng Đông Nam là Quân đoàn 2, hướng Tây Bắc là Quân đoàn 3, hướng Đông là Quân đoàn 4, hướng Tây Nam là Đoàn 232. Thực hiện mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam, Quyết chiến và toàn thắng”, 5 cánh quân đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng, làm sụp đổ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chiến sĩ Giải phóng quân là tên gọi trìu mến, thân thương của nhân dân dành cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chiến sĩ Giải phóng quân với ý chí kiên trung, bất khuất đã chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sĩ quan Lục quân đã phát huy cao độ nghệ thuật quân sự độc đáo của cha ông, tạo lực, lập thế, tranh thời; tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến, tổ chức sử dụng lực lượng, hiệp đồng quân binh chủng chặt chẽ, sát thực tiễn chiến trường; tiến công bằng sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân; chỉ huy chiến đấu anh dũng, mưu lược, sáng tạo với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, “đã ra quân là đánh thắng”, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Ngày nay, sĩ quan Lục quân luôn xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


LỄ DIỄU BINH, DIỄU HÀNH
XEM CLIP:
Phần được mong chờ nhất của lễ kỷ niệm chính là lễ diễu binh, diễu hành của 13.000 người.
Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phát lệnh bắt đầu diễu binh, diễu hành.
Lực lượng diễu binh gồm 3 khối nghi trượng, 38 khối của lực lượng vũ trang (Quân đội, dân quân 25 khối, Công an 13 khối); khối diễu binh của Quân đội Trung Quốc, Lào, Campuchia; 12 khối diễu hành đại diện cho các tổ chức quần chúng.
Mở đầu cuộc diễu binh, diễu hành là các biên đội của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, đang bay trên bầu trời Tổ quốc.
Dẫn đầu đội hình là các máy bay Mi-8T, Mi-17, Mi-171. Đây là các loại máy bay trực thăng được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bay chuyên cơ phục vụ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội; vận chuyển quân sự, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và sử dụng để đào tạo, huấn luyện giáo viên, tổ bay cho học viên trong nước và quốc tế.

Với phương châm “lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, bằng tinh thần quả cảm phi thường, sự thông minh, sáng tạo, Bộ đội Không quân “đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”, đánh bại kẻ thù cả trên không, mặt đất và trên biển; thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy “mở mặt trận trên không thắng lợi”. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Phi đội Quyết thắng đã đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp theo là các máy bay Iak-130. Đây là loại máy bay huấn luyện chiến đấu có khả năng bay trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày và đêm; được trang bị vũ khí có khả năng tiêu diệt chính xác các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển; máy bay có khả năng trực ban chiến đấu và huấn luyện, đào tạo phi công chiến đấu mang lại hiệu quả cao.
Tiếp đó là các máy bay Su-30MK2. Đây là loại máy bay tiêm kích đa năng siêu âm thế hệ mới, hiện đại; có ưu điểm vượt trội về tính năng kỹ, chiến thuật; dùng để tiêu diệt các loại máy bay đối phương trong điều kiện giản đơn, phức tạp, cả ngày và đêm. Máy bay Su-30MK2 được sử dụng trong huấn luyện, trực ban chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống. Hiện nay, Không quân nhân dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trên mặt trận đối không, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.




Các khối nghệ thuật diễu hành trên đường phố TPHCM





TPHCM nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.

Đại diện cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đón nhận danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được; Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.
Biên đội trực thăng mang theo cờ Đảng và cờ Tổ quốc bay trên bầu trời
Đội hình 10 trực thăng được chia thành 3 biên đội, theo đội hình 3-4-3, giữ khoảng cách đảm bảo an toàn và tính đồng bộ.
Mỗi lá cờ có kích thước 3,6mx5,4m được làm từ chất liệu polyester, loại vải có đặc tính dai, bền với sức gió được thả kèm quả đối trọng nặng 120kg để giữ ổn định trong không trung. Sau đó lần lượt là các biên đội bay Su-30MK2 và Ya-130 tiếp tục cất cánh tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai.
Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn lễ kỷ niệm
XEM CLIP:
Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, thống nhất đất nước và bạn bè quốc tế đã ủng hộ đất nước, nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng 30/4/1975 là sự kiện đánh dấu sự kết thúc oanh liệt của cuộc chiến đấu kiên cường 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị hơn một nửa thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi này được xem là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông với chân lý "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".

Sự kiện này đã hiện thực hóa mong muốn và lời căn dặn thiết tha nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, để "Nam Bắc sum họp một nhà".
Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư nêu các mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu.
LỄ KỶ NIỆM, DIỄU BINH, DIỄU HÀNH 50 NĂM NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tuyên bố chương trình lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành bắt đầu.
Ông trân trọng kính mời lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng toàn thể đại biểu, khách quý và đồng bào, đồng chí đứng lên làm lễ chào cờ.
“Nghiêm, Chào cờ, Chào!”, sau tiếng hô, Quốc ca được vang lên.
Cùng thời khắc này, đội pháo lễ (tại bờ sông Bến Bạch Đằng) đồng loạt bắn 21 phát đại bác trên nền Quốc ca.






Không khí nóng dần, ngóng chờ đoàn diễu binh đầu tiên
XEM CLIP: Không khí trước giờ bắt đầu lễ diễu binh




Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước bắt đầu

Mở đầu là chương trình đồng diễn nghệ thuật chào mừng có thời lượng khoảng 30 phút với sự tham gia trình diễn của hơn 1.000 người. Màn biểu diễn trống hội với chủ đề “Bản hùng ca toàn thắng” do Đoàn nghệ thuật trống hội Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an) biểu diễn. Chương trình xếp hình nghệ thuật với chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”, do các nghệ sĩ, binh sĩ Đoàn nghi lễ Quân đội, Đoàn văn công Quân khu 1, Quân khu 3, Quân khu 9… thực hiện.





Tắc nghẽn dài trên tuyến phố trung tâm




TPHCM rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ ngày 30/4
Không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải đang lan tỏa khắp phố phường TPHCM, từ trung tâm TP đến các quận, huyện vùng ven. Đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh cờ Tổ quốc tung bay phấp phới. Các tòa nhà cao tầng, cơ quan, công sở được trang hoàng bằng những tấm áp phích khổ lớn với chủ đề khát vọng hòa bình và sự phát triển của thành phố, đất nước. Hình ảnh về chiến dịch Hồ Chí Minh, các chiến sĩ giải phóng quân, biểu tượng 50 năm thống nhất đất nước, hình ảnh phát triển của TPHCM được quảng bá rộng rãi trên các màn hình ngoài trời…
Khoác trên mình mỹ danh "hòn ngọc Viễn Đông" của một thế kỷ trước, giờ đây TPHCM đã có những bước phát triển ngoạn mục, vươn lên mang dáng dấp của một "siêu đô thị" hiện đại.
Thời tiết TPHCM trong khung giờ 7-13h hôm nay nắng nóng. Người dân cần trang bị đầy đủ mũ nón, áo chống nắng và chuẩn bị nước uống vì thời gian chờ và diễn ra lễ kỷ niệm kéo dài nhiều giờ đồng hồ.


Khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi đông đúc. Nhiều nhà hàng có vị trí đẹp để xem diễu binh, diễu hành kín chỗ.







Cặp vợ chồng quân nhân cùng tham gia diễu binh, trao nhau lời yêu thương
Thượng úy Nguyễn Trường Chinh (khối sĩ quan Phòng không Không quân) và Trung úy Vũ Thị Thu (khối nữ sĩ quan Thông tin liên lạc) là cặp vợ chồng đặc biệt trong đội hình diễu binh, diễu hành. Cặp đôi nên duyên từ lần tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024. Lần diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước này, họ đồng hành, chăm sóc, động viên nhau, tạo nên hình ảnh đẹp về gia đình quân nhân. Trước giờ lễ kỷ niệm, họ trao nhau nụ hôn động viên và những lời chúc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ngày trọng đại của đất nước.
![]() |
![]() |
3 tấn lương khô được chuẩn bị để phát đến người dân
Trong khi người dân xếp hàng chờ đến 6h sáng, lực lượng quân đội tổ chức phát lương khô, đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Nhiều người dân bày tỏ ấm lòng trước tình cảm của các chiến sĩ.

Các khối diễu binh, diễu hành, trình diễn nghệ thuật có mặt
Tại khu vực khán đài trước dinh Độc Lập trên đường Lê Duẩn, đội hình trình diễn nghệ thuật vào vị trí sẵn sàng. Các tiết mục nghệ thuật và múa súng sẽ mở màn cho buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành.
38 khối của lực lượng vũ trang (Quân đội, lực lượng dân quân 25 khối, lực lượng Công an 13 khối), khối diễu binh của Quân đội Trung Quốc, Lào, Campuchia và 12 khối diễu hành đại diện cho các tổ chức quần chúng cũng xuất hiện từ các cung đường xung quanh trục đường Lê Duẩn. Mỗi khối diễu binh được dẫn đầu bởi 4 chiến sĩ, trong đó có 1 người mang theo cờ Tổ quốc. Phía sau là 100 chiến sĩ di chuyển theo đội hình 10 hàng 10.



Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc



21 màn hình led và nhiều màn hình các tòa nhà đã sẵn sàng tường thuật trực tiếp lễ kỷ niệm
Để phục vụ cho người dân, du khách theo dõi toàn thể buổi lễ cũng như phần diễu binh, diễu hành, TPHCM đã lắp đặt 21 màn hình led cỡ lớn dọc các tuyến đường trung tâm. TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cũng lắp đặt các màn hình led phục vụ nhu cầu xem trực tiếp lễ kỷ niệm của người dân.
Ngoài ra, hàng loạt màn hình quảng cáo, tuyên truyền trên toàn TP sẽ tiếp dẫn lễ kỷ niệm vào đúng 6h30.

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) thông báo miễn phí vé trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cho toàn bộ hành khách trong 2 ngày 30/4 và 1/5.
Trong thời gian miễn phí, HURC1 lưu ý hành khách chỉ sử dụng thẻ căn cước, căn cước công dân gắn chip hoặc mã “QR Độc lập” trên ứng dụng HCMC Metro HURC để quét trực tiếp tại cổng soát vé. Các hình thức thanh toán khác như thẻ ngân hàng, ví điện tử hoặc mua vé QR thông thường trên ứng dụng sẽ không thuộc phạm vi áp dụng miễn phí.
Người dân có thể tranh thủ 2 ngày nghỉ lễ để tham quan các di tích, địa điểm nổi tiếng của TPHCM.
Cấm các tuyến đường trung tâm
Phòng CSGT Công an TPHCM cho biết, khu vực trung tâm sẽ cấm đường, hạn chế người và phương tiện lưu thông từ 3h đến 12h hôm nay.
Các tuyến đường cấm gồm cầu Ba Son (hướng TP Thủ Đức sang quận 1); Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Hữu Cảnh); Đinh Tiên Hoàng (đoạn Nguyễn Đình Chiểu đến Lê Duẩn); Tôn Đức Thắng (đoạn Lê Duẩn đến điểm quay đầu trước số 37 Tôn Đức Thắng); Mạc Đĩnh Chi (đoạn Trần Cao Vân đến Nguyễn Du).


Các tuyến đường khác bị cấm gồm: Hai Bà Trưng (đoạn Võ Văn Tần đến Lý Tự Trọng); Phạm Ngọc Thạch (đoạn Vòng xoay Hồ Con Rùa đến Nhà Thờ Đức Bà); Pasteur (đoạn Võ Văn Tần đến Lý Tự Trọng); Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn Võ Văn Tần đến Lý Tự Trọng); Trương Định (đoạn Võ Văn Tần đến Lý Tự Trọng); Nguyễn Du (đoạn Tôn Đức Thắng đến đường Cách Mạng Tháng 8); Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Cách Mạng Tháng 8).
Ngoài ra còn có các đường nằm bên trong vòng giới hạn của các tuyến đường trên như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chiêm, Lê Quý Đôn, Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Alexandre De Rhodes, Công xã Paris, Đặng Trần Côn, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đồng Khởi…
Xếp hàng từ ngày hôm trước chờ xem diễu binh
Từ chiều tối 29/4 sang đến ngày 30/4, hàng nghìn người đổ về các tuyến phố trung tâm TP để chọn chỗ, chờ đến sáng xem diễu binh, diễu hành.

Khoảng 2h, các lực lượng quân đội, công an bắt đầu kéo rào sắt hướng dẫn người dân ra khỏi khu vực cấm để chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành.
Công tác an ninh ở khu vực khán đài tổ chức lễ kỷ niệm được siết chặt ở mức cao nhất. Khách mời, người ra vào khu vực diễn tập phải trình thẻ căn cước, kiểm tra qua máy dò.
Các tuyến đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Cách Mạng Tháng 8, Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ, Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng… đã tập trung hàng nghìn người dân.

Hòa trong dòng người đổ về khu trung tâm TP xem diễu binh, diễu hành có nhiều cựu chiến binh đến từ mọi miền Tổ quốc. Có những cựu chiến binh trở lại TPHCM bồi hồi dõi theo từng góc phố, từng hàng cây, ngắm nhìn bầu trời hòa bình quý giá mà họ cùng đồng đội đã góp một phần xương máu để làm nên.


