
Hôm nay (12/7), Cơ quan An ninh điều tra, Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra liên quan đến vụ án xảy ra tại khu 'đất vàng' công sản số 33 Nguyễn Du và số 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh, phường Sài Gòn (là phường Bến Nghé, quận 1 cũ).
Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 3 bị can gồm: Đinh Trường Chinh (51 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển và kinh doanh nhà), Huỳnh Thế Năng (66 tuổi, cựu Tổng giám đốc Tổng Công ty lương thực miền Nam - Vinafood II); Nguyễn Thọ Trí (64 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc Vinafood II) cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Kế hoạch bán khu 'đất vàng' công sản
Vinafood 2 là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được giao quản lý, sử dụng nhiều công sản, trong đó có khu 'đất vàng' tại số 33 Nguyễn Du và số 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh.

Khu đất được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Vinafood 2 vào năm 2010, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với hơn 766 tỷ đồng. Khu 'đất vàng' được phê duyệt chủ trương làm dự án khách sạn cao cấp - cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.
Giai đoạn năm 2014 - 2015 Vinafood 2 có chủ trương bán khu đất để thu hồi vốn đã đầu tư, bù lỗ, trả nợ vay và bổ sung vốn kinh doanh. Đến năm 2015, Vinafood 2 họp hội đồng thành viên, ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương liên kết với với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân do ông Đinh Trường Chinh làm Giám đốc, đại diện pháp luật.
Được biết, khi đó có ít nhất 2 đơn vị đề nghị tham gia vào dự án, nhưng Vinafood 2 không tổ chức đấu thầu mà chỉ định 'hợp tác' với công ty của đại gia Đinh Trường Chinh.
Hai bên thoả thuận thành lập pháp nhân mới, Công ty Việt Hân Sài Gòn, với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong đó, Vinafood 2 góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng khu đất; Công ty Việt Hân góp 80% bằng tiền mặt.

Giữa ông Chinh, ông Năng cùng sự chấp thuận của ông Trí, đã thoả thuận giá chuyển nhượng khu đất giá 730 tỷ đồng. Trong đó chuyển nhượng một phần khu đất là 570 tỷ đồng, 160 tỷ đồng còn lại là kế hoạch thoái vốn của Vinafood 2 khỏi liên doanh.
Như vậy, Vinafood 2 đã có kế hoạch thoái vốn từ trước; cơ quan điều tra cho rằng, đây là chiêu trò bán rẻ 'đất vàng' Nhà nước cho tư nhân, bằng cách xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và cuối cùng là màn thoái vốn.
'Ve sầu thoát xác' hưởng lợi 970 tỷ đồng
Tháng 12/2015, Vinafood 2 đã thoái vốn nhanh gọn. Sau đó, khu 'đất vàng' trên thay đổi chủ sở hữu với tốc độ... chóng mặt.
Cụ thể, chỉ sau hơn 1 tháng, đại gia Đinh Trường Chinh bán 99% vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho nữ doanh nhân 9X Trần Ngọc Cẩm Hồng (quốc tịch Canada, là em họ của ông Chinh), với giá 792 tỷ đồng.
3 ngày sau, bà Hồng chuyển nhượng 99% cổ phần nói trên cho Công ty CP bất động sản Mùa Đông – VID trụ sở ở Hà Nội, với giá là 1.683 tỷ đồng. Đáng nói, khi Công ty Mùa Đông thanh toán tiền đầy đủ vào tài khoản bà Hồng thì số tiền chêch lệch 891 tỷ đồng được bà rút tiền mặt để nộp vào tài khoản Công ty Việt Hân và cá nhân ông Đinh Trường Chinh.
Như vậy, bằng chiêu thức lòng vòng như nói trên, khu 'đất vàng' rơi vào tay tư nhân. Quá trình sau đó, khu đất liên tục đổi chủ để che giấu thủ đoạn tinh vi nói trên.
Quá trình điều tra, ông Đinh Trường Chinh không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận chuyển nhượng khu đất cho Công ty Mùa Đông thông qua người trung gian, không thừa nhận hưởng lợi. Nhưng cơ quan điều tra đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của đại gia này.

2 bị can là lãnh đạo Vinafood 2 là Huỳnh Thế Năng và Nguyễn Thọ Trí thừa nhận hành vi sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhưng không thừa nhận gây thiệt hại 970 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, ngoài việc gây thất thoát 970 tỷ đồng khi bán rẻ đất công cho tư nhân, lãnh đạo Vinafood 2 còn gây thiệt hại khác cho Nhà nước.
Cụ thể, trong nghị quyết của hội đồng thành viên Vinafood 2 và các văn bản báo cáo có nêu, chi phí đền bù giải tỏa, di dời 34 hộ dân đang sống tại khu đất do Công ty TNHH hai thành viên chi trả. Nhưng tháng 10/2015, Vinafood 2 ban hành nghị quyết có sự hoán đổi kỳ lạ, khi khoản chi phí đền bù, giải tỏa 68 tỷ đồng lại lấy từ tài sản Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính.


