Sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 6 nội dung, trong đó có nội dung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay.

Các vấn đề xã hội như lừa đảo qua mạng, bình đẳng giới, tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh… đã được các đại biểu đề cập.

Lừa đảo vào tận nhà, giả danh từ công an đến tòa án

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang) - ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - bày tỏ sự lo ngại về vấn đề lộ, lọt thông tin của người dân khiến tình trạng lừa đảo gia tăng. 

Bà đặt câu hỏi tại sao thông tin hóa đơn tiền điện, tiền mua hàng online, vận chuyển… lại bị những kẻ lừa đảo biết đúng đến từng con số? Đại biểu này cho rằng như vậy là vi phạm quyền về thông tin riêng tư, quyền cá nhân của mỗi con người. 

“Tình trạng này khiến người dân cảm thấy vô cùng bức xúc, cảm giác như bị theo dõi… Bất cứ thông tin nào cũng có thể lộ lọt ra ngoài” - bà nói.

Theo bà Cầm, vấn đề đặt ra là vai trò của cơ quan quản lý như thế nào? Bà đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để tìm ra lỗ hổng và quyết liệt xử lý vấn đề này. 

Cùng chung lo ngại về tình trạng lừa đảo qua số điện thoại và qua mạng, đại biểu Lê Thanh Hoàn (tỉnh Thanh Hóa) - ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - chia sẻ bản thân ông cũng từng nhận rất nhiều cuộc gọi lừa đảo, tự xưng là tòa án, hải quan, công an điều tra… 

W-le thanh hoan.jpg
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ lo ngại về tình trạng lừa đảo qua mạng, qua số điện thoại gây thiệt hại lớn cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thảo

“Mình đã bị như vậy thì không hiểu những người dân khác còn đến thế nào? Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để đề phòng” - ông nói. 

Vị đại biểu này kể câu chuyện mà gia đình ông đã trải qua: “Mặc dù đã dặn người thân rất kỹ về chuyện không tiếp, không nghe những số điện thoại yêu cầu về việc tiền nong, nhưng cuối cùng, đối tượng lừa đảo còn vào tận nhà tôi. Đối tượng cầm theo danh sách thu tiền vệ sinh của cả tổ khiến mẹ tôi tin tưởng, nộp 400 nghìn đồng. Đến khi người thu tiền thật đến, bà mới biết bị lừa”.

"Quản lý sim điện thoại lỏng lẻo, người dân bị thiệt hại ghê gớm"

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Hoàn nêu vấn đề sim điện thoại chính chủ đang được quản lý rất lỏng lẻo.

“Tôi khẳng định bây giờ ra ngoài vẫn mua được sim không cần chính chủ hay chứng minh gì cả, và vẫn sử dụng được bình thường. Rõ ràng đây là trách nhiệm của các nhà mạng chứ không phải của ai khác. Đừng nói là trách nhiệm của Nhà nước, bởi vì muốn kinh doanh, mở rộng nhiều đầu số thì nhà mạng phải quản lý” - ông Hoàn nhấn mạnh.

Đại biểu này cho rằng đây không phải là việc quá khó để làm, chỉ có thực sự quyết tâm làm hay không.

Về các số điện thoại tổng đài nhận báo cáo trường hợp lừa đảo mà nhà mạng cung cấp, ông Hoàn cho biết bản thân ông từng gọi và nhắn tin để thông báo lừa đảo nhưng chỉ nhận được lời cảm ơn mà chẳng có giải pháp gì. "Số điện thoại đó vẫn đi lừa đảo, thậm chí mình nhắn vào đó còn bị chửi lại”.

Vị đại biểu này lưu ý đặc biệt về các số điện thoại dùng để đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Theo ông, do làm lỏng lẻo mà người dân có thể bị lừa đảo tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mà vẫn không thể tìm ra được kẻ lừa đảo, dẫn đến việc "người dân bị thiệt hại ghê gớm".

Ông đề nghị các nhà mạng, cơ quan chức năng phải tăng cường giải pháp để giải quyết ngay vấn đề này.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về các dự án luật sửa đổi như: Luật Đấu thầu, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư…