Gần đây, những vụ việc liên quan đến “băm nát” bán đảo Sơn Trà để xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa đã gây xôn xao trong dư luận. Lúc này, Facebook đã phát huy đúng vai trò của mình là lan tỏa và chia sẻ những thông điệp đầy ý nghĩa như “Save Sơn Trà”, “Hãy cứu lấy Sơn Trà”, “Bảo vệ Voọc chà vá”… trong những hashtag, dòng status của nhiều người dân Đà Nẵng.
Một số trang Facebook còn đăng tải thông tin về cảnh quan, động thực vật, tiềm năng.. của hệ sinh thái Sơn Trà để mọi người hiểu rõ và chia sẻ. Một tài khoản Facebook có tên Long Thành Nguyễn cho hay: “Sơn Trà đang là nhà của hơn 300 con Voọc, gần 1.000 con khỉ, hàng triệu cây gỗ và cỏ dây leo với 987 loài, hàng nghìn con chim với hơn 200 loài, hàng triệu lưỡng cư và bò sát với hơn 76 loài... Đặc biệt, đàn Voọc chà vá chân nâu không bao giờ ngủ trong hang động hay khe núi mà chỉ ngủ trên các cây to có tán lá dày. Vì vậy, phải bảo vệ lấy khu rừng, chính là bảo vệ nhà của các loài động vật này khỏi việc bê tông hóa”.
![]() |
Không chỉ dừng lại ở những hashtag, status, chia sẻ mà các trang Facebook cá nhân của người dân Đà Nẵng còn chuyền tay nhau những hình ảnh sống động cùng các dòng thông điệp ý nghĩa để đồng loạt thay ảnh đại diện, ảnh bìa Facebook nhằm thể hiện tình yêu đối với Sơn Trà, với loài Voọc chà vá.
Những hình ảnh, video sống động lồng ghép các thông điệp đầy cảm xúc về thiên nhiên Sơn Trà và quần thể Voọc chà vá cũng dần lan tỏa khắp các bản tin Facebook của người dân Đà Nẵng. Thông qua đó, nhiều người có thể hiểu hơn về tầm quan trọng của “lá phổi xanh” Sơn Trà đối với không chỉ người Đà Nẵng mà còn đối với hàng nghìn quần thể sinh vật đang cư trú tại đây.
![]() |
Anh Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu Công ty GreenViet chia sẻ: “Là những nhà nghiên cứu khoa học, chúng tôi có rất nhiều hoạt động từ nghiên cứu phát triển, quan hệ cộng đồng đến việc giáo dục, triển lãm cho trẻ em tìm hiểu về loài Voọc. Do đó, khi có bất kỳ những cuộc nghiên cứu, khảo sát nào về loài Voọc và hệ sinh thái Sơn Trà, chúng tôi đều muốn chia sẻ những thông tin, đoạn clip lên các trang mạng xã hội để mọi người hiểu được bản chất của bảo tồn, bản chất của việc gìn giữ Sơn Trà và loài Voọc chà vá”.
Với mong muốn nhanh chóng hành động để cùng góp sức cứu lấy Sơn Trà, cứu lấy những gia đình Voọc chà vá đang đứng trước nguy cơ dần mất đi nơi trú ngụ, một nhóm các bạn trẻ đã hiện thực hóa những nút like, những bình luận, chia sẻ trên Facebook bằng việc kêu gọi “Chiến dịch ký tên Giải cứu Sơn Trà”. Chỉ vừa ra mắt được 12 ngày, Chiến dịch đã kêu gọi được 10.365 chữ ký ủng hộ bảo vệ Sơn Trà. Điều này phần nào cho thấy sự phản hồi tích cực của dư luận về vấn đề bảo vệ thiên nhiên cũng như tình yêu của người dân Đà Nẵng dành cho bán đảo Sơn Trà tươi đẹp.
![]() |
Một thành viên kêu gọi Chiến dịch này chia sẻ: “Ban đầu, mục tiêu của nhóm là thu thập đủ 10.000 chữ ký nhưng đến bây giờ con số đã đạt hơn 103% so với mục tiêu. Mong rằng những chữ ký này sẽ gửi được đến tay các cấp lãnh đạo chính quyền để đưa ra giải pháp cứu Sơn Trà khỏi tác động của bê tông hóa”.
Ngoài ra, hàng chục Fanpage và Group đã ra đời để tập hợp những nhóm bạn trẻ, những người dành tình yêu cho Sơn Trà cùng chia sẻ thông tin. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đã tổ chức những buổi offline cùng hành động vì môi trường thiên nhiên xanh tươi hơn. Trong đó, tiêu biểu là Group “Thông tin Sơn Trà” đã tập hợp hơn 1.000 thành viên cùng tham gia diễn đàn và xây dựng kế hoạch hành động một cách hiệu quả, đem lại sức lan tỏa cao trong cộng đồng mạng. Đồng thời, các thành viên trong nhóm luôn cập nhật thông tin liên tục về tình hình thiên nhiên Sơn Trà, chia sẻ những tác phẩm nghệ thuật sống động về quần thể Voọc chà vá và kêu gọi mọi người hành động bảo vệ bán đảo một cách văn minh để đạt hiệu quả cao hơn.
![]() |
Một Fanpage khác có tên “Save Sơn Trà” còn cụ thể hóa bằng những hành động như: In các sticker, áo thun có hình Voọc chà vá với dòng chữ “Save Sơn Trà” để bán tại các sự kiện văn hóa trên địa bàn; Tổ chức những buổi dã ngoại khám phá núi Sơn Trà; Triển lãm tranh về Voọc và hệ sinh thái bán đảo…
![]() |
Một thành viên có tài khoản Facebook Ngô Á Châu của Fanpage này chia sẻ: “Mình cũng rất vui vì đã đóng góp một phần nào đó để bảo vệ rừng nguyên sinh Sơn Trà. Hơn nữa, những chuyến offline, những hành động cụ thể này đã giúp mình và các thành viên hiểu hơn về tầm quan trọng của quần thể thiên nhiên Sơn Trà đối với thành phố Đà Nẵng”.
![]() |
Việc lan tỏa những thông điệp về Sơn Trà đã tạo ra nhiều hiệu ứng mạnh mẽ không chỉ ở Đà Nẵng mà còn đến các tỉnh thành khác. Tại Cần Thơ, các bạn trẻ đã mang những tấm bảng với dòng chữ “#saveSonTra (Cứu lấy Sơn Trà)” đến các điểm công cộng nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay lan tỏa hành động đầy ý nghĩa này.
![]() |