- TP. Đà Nẵng bắt đầu siết chặt quản lý, kiểm tra, kiểm soát tư thương người Trung Quốc hoạt động mua bán hải sản có dấu hiệu thao túng thị trường, đẩy giá làm biến động thị trường...

Một loạt biện pháp được TP. Đà Nẵng đưa ra nhằm siết chặt quản lý tư thương Trung Quốc như tăng cường quản lý đối với tư thương Trung Quốc thu gom chế biến hải sản tại các chợ đầu mối, âu thuyền Thọ Quang... Đồng thời, TP. Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng chủ, Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường...  tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lưu trú, về hoạt động thu mua hải sản trái quy định của thương nhân Trung Quốc trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định, đưa ra các biện pháp hành chính không phải để ngăn sông cấm chợ đối với tư thương Trung Quốc; mà đây là biện pháp để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của các tư thương Trung Quốc nói riêng và các tư thương nói chung đã có những hành vi thao túng thị trường, nâng giá, tranh giành thu mua gây bất ổn thị trường.

Thương lái Trung Quốc mua cá tại Đà Nẵng (Ảnh: Vũ Trung)

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Thường trực Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP. Đà Nẵng cho biết, trước mắt lập đường dây nóng tại các địa bàn chủ chốt để tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với nông dân, ngư dân địa phương, các đầu mối, DN chuyên sản xuất, cung cấp các mặt hàng nông sản, hải sản... thực hiện đúng quy định của pháp luật, không tiếp tay, không hỗ trợ cho các hoạt động thu gom hàng hóa, sơ chế... phục vụ buôn bán theo đường tiểu ngạch trái quy định với các thương lái Trung Quốc nói riêng.

Đồng thời Sở Công Thương cùng chính quyền địa phương làm cầu nối xây dựng mối liên hệ hợp tác kinh doanh giữa người dân với các DN nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, ngư dân và nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho DN, tránh tình trạng thị trường bị thao túng, giá cả biến động bất thường.

Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân câu mực vừa từ Hoàng Sa về cập cảng sông Hàn, cho biết, do giá mực rớt giá thê thảm nên thua lỗ có thể dẫn đến nguy cơ sẽ cho tàu nằm bờ đến cuối năm, thậm chí bán tàu. Vào thời điểm này năm ngoái, giá mực 110.000đ/kg, nay chỉ còn 50.000 - 60.000đ/kg. Giảm hơn một nửa, trong khi chi phí xăng dầu, và chi phí khác tăng hơn gấp 2 lần.

Điều đáng quan tâm là tại hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng là hai địa phương có nghề câu mực khơi truyền thống từ nhiều năm nay. Nhưng các thương lái đang khống chế các đầu mối thu mua.

Ban đầu giá thu mua được đẩy lên. Đến thời điểm này thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua mực và ép giá làm mực rớt giá thê thảm chỉ còn chưa đến 1 nửa giá thu mua, gây khó khăn cho đời sống ngư dân.

Cũng với kiểm tra giám sát hoạt động thương mại của các tư thương Trung Quốc, UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu ngành y tế TP kiểm tra Đà Nẵng chấn chỉnh hoạt động của phòng khám Trung Quốc.

Qua kiểm tra từ thanh tra chuyên ngành Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 5 phòng khám có yếu tố nước ngoài, trong đó có hai phòng khám y học cổ truyền có bác sĩ Trung Quốc.

Qua kiểm tra, hầu hết các phòng khám Trung Quốc đều do người Việt Nam phụ trách và thuê bác sĩ Trung y làm tại cơ sở. Tuy nhiên, đây là một hình thức lách luật phổ biến, vì các thủ tục xin hành nghề đối với cơ sở 100% vốn nước ngoài rất khó khăn. Các cơ sở này thường xuyên quảng cáo trên báo, đài nhưng nội dung quảng cáo lại quá quy định và chưa đúng với nội dung đã được Bộ Y tế và Sở Y tế thông qua.

Các phòng khám có niêm yết giá dịch vụ nhưng chưa chi tiết, cụ thể từng vị thuốc trong thang thuốc. Sở Y tế sẽ thường xuyên kiểm tra hoạt động của các phòng khám nước ngoài đóng trên địa bàn.

Qua kiểm tra của thanh tra Sở Y tế TP. Đà nẵng vừa qua tại Phòng khám y học cổ truyền Ái Tâm (74 Hải Phòng, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã phát hiện vi phạm và đã xử phạt hành chính do sử dụng một số vị thuốc chưa đảm bảo chất lượng.

Vũ Trung