– Ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, các công sở hầu như vắng bóng người vì nhân viên mải mê đi chúc Tết hoặc liên hoan tân niên. Hầu hết các cơ quan chỉ đông đúc một lúc buổi sáng khi gặp mặt đầu năm, sau đó mọi công việc đều được gác lại.

Kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài 8 ngày và ngày đi làm đầu tiên cũng là ngày đầu tuần nên theo ghi nhận, hiện tượng “nghỉ nướng” không phổ biến bằng mọi năm. Tuy nhiên, khá nhiều nơi có hiện tượng nhân viên đến rất muộn vì sáng sớm mùng 6 Tết (tức 8/2) mới lên đến Hà Nội.

“Mẹ tôi xem ngày, bảo ngày mùng 5 Tết (tức 7/2) mà xuất hành là không đẹp nên đợi đến mùng 6 mới ra. Đi từ mùng 4 thì sớm quá”, chị Lan – quê ở Ứng Hòa, Hà Nội, làm kế toán một công ty kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội – cho biết. 

Công sở vắng hoe vì nhân viên bận đi liên hoan, chúc Tết
Tuy khá đầy đủ song không khí làm việc sáng ngày 8/2 khá “nhạt” khi không khí Tết vẫn còn đậm đặc trong mỗi người.

Sáng 8/2 nhiều cơ quan đã tổ chức gặp mặt nhân viên để sếp lì xì và chúc Tết. Việc này bắt đầu trùng với giờ làm việc theo quy định (8h sáng) và kết thúc lúc 9h sáng. Sau đó, hầu hết nhân viên đều tụm lại chúc tụng, chia sẻ những câu chuyện ngày Tết, kéo nhau đi ăn sáng, ngồi cafe rồi chuẩn bị đi… liên hoan.

“Việc duy nhất tôi làm được trong sáng nay là ghi danh sách những người đến gặp mặt đầu xuân, lĩnh tiền lì xì của sếp rồi sau đó đi ăn. Đến chiều tôi cũng đã có kế hoạch đi nhậu với bạn bè nên sẽ về sớm để còn đến quán ăn “xí chỗ”, ngày đầu năm đông lắm”, anh Nguyễn Việt Cường, nhân viên Công ty cổ phần An Vinh cho biết.

Với chị em phụ nữ, nhiều người còn tranh thủ đi Tết những nơi cần phải đi ngay trong ngày đầu đi làm. Làm việc “lấy lệ” nhưng vì mọi người trong cơ quan cũng đều tất bật với những kế hoạch liên hoan, chúc tụng nên đều thông cảm cho nhau.

Có những nhân viên công việc chính của buổi sáng ngày hôm nay là cắt bánh chưng, uống rượu vang rồi ngồi buôn chuyện hoặc lên web đọc báo sau khoảng một tuần không cập nhật tin tức.

Nhiều người khá ngạc nhiên khi đọc đến những thông tin về vụ tai nạn tàu hỏa kinh hoàng ở Đồng Nai hay vụ 9 người cùng chết ở Hải Phòng, v...v… dù những sự kiện này đã xảy ra cách đây một vài ngày. 

Chùa chiền đông đúc người đến lễ vào sáng 8/2
Trong khi đó, rất nhiều người ở quê lên Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết đã “trốn việc” để đi chùa đầu năm tại các chùa lớn. Ngày mùng 6 Tết năm nay được xem là ngày đẹp nên người dân đổ lên chùa cầu may mắn.

“Tôi nhờ sư thầy trụ trì xem giúp thì hôm nay quả là ngày “hoàng đạo” để xin lộc. Khi nghỉ Tết ở quê, tôi cũng đã đi lễ chùa ở nhà nhưng vì chủ yếu sinh sống trên Hà Nội nên sau kỳ nghỉ Tết, tôi cũng đã đến một ngôi chùa nổi tiếng là thiêng để đi lễ”, một phật tử đi lễ tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết.

Không khí làm việc “lạnh lẽo” tại các công sở có thể sẽ còn kéo dài vì theo truyền thống của người Việt Nam thì sau Tết là bắt đầu mùa lễ hội, đi chùa chiền cúng lễ. Nhiều người sau khi gặp lại đồng nghiệp, bạn bè đã lên kế hoạch đi các chùa lớn như Chùa Hương, Chùa Bái Đính… ngay trước Rằm tháng Giêng.

Hiện tượng vắng hoe hầu hết xảy ra ở những cơ quan hành chính, công sở Nhà nước và một số ít công ty tư nhân nhỏ. Chỉ có nhân viên các công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí là vất vả trong những ngày này bởi nhu cầu ăn uống, giải trí tăng cao. Họ hầu như phải thay nhau làm từ mùng 3 Tết và đến tối mùng 5 Tết là phải tập trung đầy đủ để chuẩn bị cho ngày cao điểm phục vụ khách bắt đầu từ mùng 6 Tết.

Một số nhân viên của các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý cũng khó lòng “trốn” việc vì sáng sớm 8/2 lượng người đến giao dịch mua bán vàng bạc cũng khá sôi động vì cả người bán lẫn người mua đều muốn khai trương “lấy lộc” vào ngày đẹp. 

  • N.A