Ông Đào Văn Điều (tỉnh Tuyên Quang) cho biết ông đi bộ đội 2 năm, xuất ngũ năm 1993. Đến tháng 12/1995, ông bắt đầu công tác và hiện nay là công chức. Ông gửi phản ánh đến Bộ Nội vụ, đề nghị làm rõ thời gian phục vụ trong quân đội có được cộng nối để tính nâng bậc lương thường xuyên và thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Nội vụ cho biết trường hợp của ông Điều có 2 nội dung cần làm rõ, bao gồm xét nâng lương và tính cộng nối BHXH.

cán bộ không chuyên trách   Lê Anh Dũng.jpg
Người lao động có thời gian công tác là quân nhân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó làm việc trong khu vực có tham gia BHXH bắt buộc, sẽ được cộng nối thời gian phục vụ quân đội với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng chế độ

Về xét nâng lương, ngày 29/6/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 03/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2013 về hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/8/2021. Tuy nhiên, theo quy định tại thông tư, thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự trước thời điểm thông tư có hiệu lực (trước ngày 15/8/2021) sẽ không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.

Vì vậy, trường hợp ông Điều đi bộ đội và xuất ngũ trước năm 1993 sẽ không được cộng nối vào thời gian nâng bậc lương định kỳ.

Đại diện Bộ Nội vụ cũng lưu ý việc tổ chức thực hiện chính sách đối với công chức thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Do đó, ông Đào Văn Điều cần liên hệ với Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang để được hướng dẫn cụ thể.

Đối với chính sách BHXH, Bộ Nội vụ dẫn quy định tại khoản 2 điều 34 Nghị định số 158/2025 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH 2024.

Theo đó, người lao động có thời gian công tác là quân nhân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó làm việc trong khu vực có tham gia BHXH bắt buộc, sẽ được cộng nối thời gian phục vụ quân đội với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng chế độ.

Vì thế, ông Điều xuất ngũ năm 1993 và bắt đầu công tác có đóng BHXH từ năm 1995 thuộc trường hợp được cộng nối thời gian tham gia quân đội để tính hưởng BHXH.

Như vậy, ông Đào Văn Điều không được cộng thời gian đi bộ đội để xét nâng lương thường xuyên, nhưng được cộng nối để tính tổng thời gian đóng BHXH khi làm thủ tục hưởng chế độ sau này.