
Trong số hơn 160 bảo tàng trên cả nước, số bảo tàng thu hút khách tham quan thường xuyên được đếm trên đầu ngón tay...
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được đầu tư xây dựng từ năm 2019 trên diện tích 386.600m2 với thiết kế hiện đại và đa dạng công năng. Tổng mức đầu tư cho công trình khoảng 2.500 tỷ đồng.
Đây không chỉ là nơi trưng bày hiện vật lịch sử chiến tranh, mà còn mở ra một không gian trải nghiệm và tương tác sống động, giúp khách tham quan hiểu sâu hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay từ khi mở cửa tháng 11/2024, có khoảng 10.000 người đổ về bảo tàng tham quan ngày cuối tuần. Có những ngày, khu vực bên trong, bên ngoài bảo tàng đều quá tải. Dọc tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long cũng xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Ngay thời điểm phóng viên VietNamNet viết bài, đến thực tế, dù không phải cuối tuần và bảo tàng mở cửa đón khách miễn phí được hơn 4 tháng nhưng vẫn rất đông người đến tham quan.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Top 2 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2016, Top 10 Bảo tàng hấp dẫn nhất thế giới năm 2018 theo chuyên trang TripAdvisor - đang trong giai đoạn hoạt động sôi nổi chưa từng thấy.

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thông tin đến phóng viên VietNamNet, đơn vị đón hơn 5.000 lượt khách/ngày; tổng hơn 1,3 triệu lượt khách năm 2024, tăng 26,72% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, con số trên thậm chí cao hơn 2,98% so với năm 2019 - thời kỳ đỉnh cao của lượng khách du lịch đến với TPHCM nói chung và bảo tàng nói riêng trước khi có đại dịch Covid-19.
"Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố năm 2024 hơn 6 triệu lượt. Trong 1,3 triệu lượt khách đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, 80% là người nước ngoài. Như vậy, ước tính cứ 6 khách quốc tế đến TPHCM sẽ có 1 người đến bảo tàng", ông Hoàng Anh nói.
Một tín hiệu lạc quan, tính riêng 3 tháng đầu năm 2025 (tính đến 12/3), Bảo tàng đã đón 336 nghìn khách, tăng 16,45% so với cùng kỳ năm 2024. Đại diện bảo tàng nhận định những con số cho thấy sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước đối với lịch sử cũng như cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ du khách, nhiều cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam đến bảo tàng đã rơi nước mắt khi xem lại những đau thương, mất mát từng xảy ra tại đây.
"Sự gia tăng lượng khách tham quan góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là người trẻ. Chúng tôi muốn thế hệ trẻ hiểu rằng cha ông chúng ta đã hy sinh, dân tộc đã trả cái giá rất lớn để đổi lấy cuộc sống hòa bình mà họ đang thụ hưởng. Hiểu về chiến tranh để thêm yêu quý tự do, trân trọng cuộc sống hiện tại", ông Hoàng Anh khẳng định.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn nằm trong Top đông khách nhất với bình quân 33.000 lượt khách tham quan/tháng trong năm 2023, năm 2024 là 460.000 lượt. Có ngày bảo tàng này đã đón hơn 11.000 lượt khách.
Ngoài việc trưng bày, bảo tàng còn tổ chức các sự kiện liên quan tới văn hoá các dân tộc Việt Nam. Với những hoạt động phong phú, đa dạng, ngày càng nhiều các gia đình đến tham quan và tham gia hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, việc mở ra không gian trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc và cơ hội thử trang phục truyền thống của quốc gia này để tiếp cận Gen Z bước đầu tạo sức hút với giới trẻ.

Điểm nhấn ấn tượng nữa từ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là không gian Trúc Lâm. Tháng 8/2024, không gian này liên tiếp nhận giải thưởng kiến trúc quốc tế: Giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) tại International Architecture Awards (IAA) 2024 do Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế Chicago (Mỹ) phối hợp Trung tâm Thiết kế kiến trúc và Nghiên cứu đô thị châu Âu tổ chức và giải thưởng Kiến trúc xanh (Green Good Design) - một trong những giải thưởng uy tín trên thế giới về lĩnh vực thiết kế xanh.
Lâu nay, vấn đề kết nối các không gian để tạo nên trải nghiệm tham quan liền mạch, trọn vẹn cho khách tham quan chưa thật sự được các bảo tàng ở nước ta quan tâm. Với sự xuất hiện của không gian Trúc Lâm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trở thành đơn vị tiên phong cho xu hướng kiến tạo những không gian kiến trúc xanh có khả năng “đối thoại” hài hòa về cả mặt thiết kế và nội dung trưng bày.
Thời gian vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, 3D Tour, Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (VAES), tạo thuận lợi cho khách tham quan và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo tồn và phát huy di sản mỹ thuật của nước nhà.

Theo TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, lượng khách đến với bảo tàng thời gian qua đã tăng 200-300% so với những năm trước đây.
“Công chúng biết đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bên cạnh những kênh thông tin truyền thống, có sự đóng góp rất lớn của các kênh mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram... của bảo tàng và qua những video của các bạn trẻ đến thăm bảo tàng đăng tải”, ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, so với nhiều bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, số lượng trên 150 nghìn khách/năm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam quả thực còn khiêm tốn. Nhưng điều đáng mừng là trong số hơn 150 nghìn khách hiện nay đã có tới 70% là khách Việt, trong đó 70% là các bạn trẻ.
Bảo tàng Hà Nội từng bị kêu “đắp chiếu” nhiều năm cũng đang cho thấy sự cố gắng để không gian trở nên sống động hơn.
Theo đó, bảo tàng này đã tổ chức các sự kiện theo chuyên đề kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ, truyền thông. Theo ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội , tính đến tháng 12/2024, Bảo tàng Hà Nội tổ chức cho khoảng hơn 20.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm như rước trăng chơi phố dịp Tết Trung thu, trình diễn các nghề thủ công truyền thống: làm tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng…

Để hấp dẫn thêm nhiều khách trong nước và quốc tế, đặc biệt đối tượng khách trẻ, bảo tàng đã và đang tổ chức nhiều chủ đề, chuyên đề trưng bày, triển khai gắn với các giai đoạn, sự kiện, nhân vật trong lịch sử vẻ vang của dân tộc theo ý tưởng, thiết kế đồ họa chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để hút giới trẻ tới hệ thống các bảo tàng, điều quan trọng nhất, các bảo tàng cần có sự nhạy cảm nhất định với người trẻ và vấn đề mà họ đang quan tâm.
Bên cạnh đó, ngoài những không gian cố định, các bảo tàng cần tổ chức các sự kiện, chuyên đề riêng, tập trung trưng bày thường xuyên, có sự thay đổi về cảnh quan mới lạ để thu hút khách hàng quay lại nhiều lần.
Bài 2: Vì sao Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không ngừng hot?
