Sau khi các trường THPT chuyên thuộc đại học và Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10, nhiều phụ huynh tiếp tục đứng trước bài toán “cân não” nên chọn trường nào khi con đỗ cùng lúc nhiều trường top đầu.
Mấy ngày qua, vợ chồng chị Phạm Lương (Đống Đa) cùng con gái phải “cân não” lựa chọn khi đỗ cùng lúc 3 ngôi trường là Trường THPT Kim Liên, lớp chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn và lớp chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Chu Văn An. Cả ba đều là những trường top đầu, vì thế gia đình chị không biết chọn ngôi trường nào sẽ phù hợp nhất.
Nhà gần Trường THPT Kim Liên hơn cả nhưng chị Lương cho biết, cả nhà nghiêng nhiều về phương án học trường chuyên hơn. “Dù mỗi trường sẽ có thế mạnh khác nhau nhưng nếu học trường chuyên, cơ hội để con được vào các đại học top đầu sau này sẽ cao hơn do được ưu tiên, cộng điểm. Ngoài ra, học trong môi trường chuyên cùng các bạn giỏi, con cũng sẽ có động lực để cố gắng”, chị Lương nói.
Khi chưa có kết quả trúng tuyển vào Chuyên Chu Văn An, để yên tâm, chị đã nộp hồ sơ cho con vào Chuyên Nhân văn. Tuy nhiên, sau khi có kết quả từ các trường chuyên Sở, chị Lương lại đắn đo về việc rút hồ sơ của con gái.
“Chuyên Chu Văn An có vẻ khá sôi nổi về hoạt động ngoại khóa, con sẽ có nhiều lựa chọn tham gia. Trong khi ở Chuyên Nhân văn, thầy cô tâm huyết, tận tình, nhớ tên từng học sinh nên cả nhà đều rất băn khoăn.
Con không đỗ cũng lo mà đỗ nhiều cũng lo không kém vì sợ chọn ngôi trường không phù hợp. Chọn trường nào, bỏ trường nào cũng rất tiếc nuối vì mỗi trường sẽ có một thế mạnh riêng”, chị chia sẻ.
Học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo
Cũng giống như chị Lương, chị Nguyễn Hải mới đây cũng đăng bài viết lên một hội nhóm phụ huynh Hà Nội, nhờ tư vấn vì quá phân vân khi con đỗ cả lớp chuyên Hóa của Chuyên Sư phạm và Chuyên Nguyễn Hụê. Nhiều phụ huynh khác sau đó bình luận đây là một trong những cú “đau đầu hạnh phúc”.
Song theo chị Hải, đây quả thực là bài toán “cân não” khi nhà chỉ cách Chuyên Nguyễn Huệ 4km, trong khi cách Chuyên Sư phạm 11km.
“Mình băn khoăn vì nếu học gần, con sẽ tiết kiệm thời gian, giữ gìn sức khoẻ. Chuyên Nguyễn Huệ lại có lợi thế khi chi phí thấp, có học bổng. Tỷ lệ cạnh tranh không gắt gao nên con có nhiều cơ hội tham gia các giải thành phố. Trong khi đó, thương hiệu Chuyên Sư phạm và các mối quan hệ sẽ theo con suốt cuộc đời”, phụ huynh này chia sẻ.
Việc chọn trường phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho hay việc học sinh đỗ vào nhiều trường trong kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội không phải chuyên hiếm. Do đó, các phụ huynh sẽ phân vân, cân nhắc để chọn ngôi trường phù hợp nhất với con.
Thầy Cường khuyên phụ huynh trước hết phải cân nhắc đến sở trường, sở thích của trẻ. “Bố mẹ đừng nghĩ việc chọn trường là của mình. Đứa trẻ đã biết suy nghĩ và tự định hướng tương lai. Trẻ cũng đã có sự yêu thích với những trường khi đặt bút lựa chọn nguyện vọng. Do đó, trước tiên bố mẹ hãy hỏi ý kiến của con. Trẻ được học trong một ngôi trường cảm thấy hạnh phúc và phù hợp, đó mới là điều quan trọng nhất”, thầy Cường nói.
Ngoài ra, một yếu tố khác vị hiệu trưởng này cho rằng phụ huynh cần cân nhắc, là định hướng nghề nghiệp sau bậc THPT. Các em dự kiến học ngành nào ở bậc đại học; Nộp hồ sơ vào đại học nào; Có đi du học hay không; Ra trường muốn làm công việc gì;...
“Có thể là hơi sớm nhưng các em nên trả lời những câu hỏi này để có lựa chọn tốt hơn ngay từ bây giờ”, thầy giáo này nói.
Cuối cùng, sự lựa chọn còn phải phụ thuộc vào điều kiện gia đình như thời gian, kinh tế, khoảng cách địa lý…
“Nhiều người băn khoăn, phân tích trường nọ tốt hơn trường kia, nhưng thực tế trường nào cũng tốt và rất khó so sánh do mỗi trường sẽ có tôn chỉ, mục đích riêng. Vì thế, không có một tiêu chí thoả đáng để so sánh các trường với nhau”, thầy Cường cho hay.
Trong trường hợp vẫn còn băn khoăn, theo thầy Cường, phụ huynh nên cho con tự trải nghiệm, từ đó giúp trẻ khai phá bản thân và tìm được đam mê của mình.
Thầy Cường lưu ý, sẽ có nhiều học sinh không đỗ nguyện vọng 1 hoặc 2, mong muốn đợi các nguyện vọng này hạ điểm để nộp hồ sơ. Tuy nhiên, dù đỗ bất kỳ trường nào cũng buộc phải xác nhận nhập học ở trường đó.
“Nhiều năm nay có những thí sinh đợi trường nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 hạ điểm nên không nộp vào nguyện vọng mình đỗ, dẫn đến hệ thống coi thí sinh đó không có nhu cầu học công lập. Như vậy, khi trường nguyện vọng 1 hoặc 2 hạ điểm, học sinh cũng không còn cơ hội để nhập học”, thầy Cường nói.
Với trường hợp học sinh không đỗ bất kỳ trường nào, theo thầy Cường, lúc này vai trò của cha mẹ rất quan trọng. “Thay vì thất vọng, nói lời lẽ không hay với con, cha mẹ có thể cầm tay con để tìm kiếm những trường ngoài công lập khác. Tôi tin 100% học sinh đều có cơ hội đến trường bình đẳng và đều có trường để học.
Học sinh và gia đình phải vượt qua tâm lý trượt, động viên con tiếp tục chặng đường tiếp theo vì sau này cuộc sống còn nhiều khó khăn hơn thế. Nếu không biết cách giải tỏa tâm lý và đồng hành cùng con, rất có thể sẽ để lại nhiều điều tiếc nuối”, thầy Cường nói.
Dù lỡ thi trượt lớp 10, cuộc đời còn nhiều hướng đi"Cuộc đời có nhiều hướng đi, quan trọng là mình sống tốt và tử tế với năng lực thực sự của bản thân", một người bạn tôi đã khuyên con anh ấy như thế khi cháu trượt tất cả các nguyện vọng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.