Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định phải xử lý nghiêm lãnh đạo của những cơ sơ in Nhà nước có hoạt động này.

Phát biểu tại Hội nghị Công tác quản lý đối với cơ sở in sử dụng vốn nhà nước vừa mới được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn đã nói: “Không ai dám khẳng định các cơ sở in nhà nước không có in lậu".

Cũng theo Thứ trưởng thì đây cũng có thể coi là một hoạt động “sản xuất hàng giả” và cần phải xử lý nghiêm lãnh đạo của những cơ sơ in này, thậm chí là xem xét xử lý hình sự nếu cần.  

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề lãng phí còn tồn tại ở những cơ sở in không còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chậm cố phần hóa… Một ví dụ được đưa ra là dù cho cơ sở in vẫn đang hoạt động, thế nhưng cơ quan chủ quản lại phải cho in ấn tài liệu ở bên ngoài. Đó là lãng phí chồng lãng phí. 

{keywords}
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn

Trước đó, trong phiên thảo luận tại Hội nghị, khi đánh giá về hoạt động của các cơ sở in Nhà nước, ông Phạm Trung Thông – Trưởng phòng quản lý in, Cục xuất bản, In và phát hành nhận định các cơ sở đều có sự đầu tư, phát triển tương đối tốt, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan chủ quản và đáp ứng nhu cầu in của xã hội. 

Dù chỉ chiếm khoảng 10% trong số hơn 1500 cơ sở in đang hoạt động, thế nhưng các cơ sở in có vốn Nhà nước lại là những đơn vị in chủ lực, có ảnh hưởng lớn đến toàn ngành in trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hầu như tất cả các cơ sở in có vốn Nhà nước đều phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Bản thân đại biểu cũng nhiều lần thừa nhận điều này trong buổi hội nghị. 

Ngay cả đại diện từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị chủ quản của những công ty in lớn như Công ty in Trần Phú, Công ty In và Văn hóa phẩm, cũng đã chia sẻ một cách cụ thể về những thách thức đang phải đối mặt như chi phí đầu vào tăng, giá in thấp, sản lượng sụt giảm, nhu cầu thị trường đòi hỏi cao, Nhà nước ít đầu tư, chính sách ưu đãi chưa nhiều… 

Và giải pháp hàng đầu được đưa ra để tháo gỡ khó khăn chung chính là phải tiến hành cổ phần hóa, đi tìm nguồn lực từ bên ngoài. Đây cũng chính là một trong những kết luận được nhiều đại biểu mong đợi sau khi Hội nghị kết thúc. 

Kết luận là vậy, nhưng để đi đến thực tiễn thì có lẽ sẽ mất không ít thời gian. Bởi một khi tiến hành cổ phần hóa thì vai trò của cơ quan chủ quan sẽ như thế nào? các nhiệm vụ chính trị có còn được chú trọng hay chuyển hướng sang hoạt động vì lợi nhuận… Đây rõ ràng là một bài toán không dễ giải.

Linh Phạm