
Trong thông tin chia sẻ ngày 13/7, Hiệp hội Internet Việt Nam – VIA cho biết, trong 4 ngày từ 7/7 đến 10/7, đơn vị này đã tổ chức Chương trình thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp công nghệ Việt Nam – Trung Quốc tại thành phố Thâm Quyến, trung tâm công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.
Đây là hoạt động được triển khai nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời gắn liền với các hoạt động trong khuôn khổ "Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025".
Với chủ đề "Thúc đẩy hợp tác số, kiến tạo giá trị thực", chương trình thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp công nghệ Việt Nam – Trung Quốc đã thể hiện rõ tinh thần kết nối, học hỏi và hợp tác toàn diện giữa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ của 2 quốc gia, góp phần mở rộng không gian hợp tác kinh tế số trong khu vực Đông Á và toàn cầu.

Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho hay, chương trình này được triển khai với mục tiêu góp phần xây dựng cầu nối chiến lược giữa các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Thâm Quyến. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ cao.
“Sự kiện không chỉ đóng vai trò là điểm gặp gỡ giữa các doanh nghiệp mà còn là diễn đàn trao đổi chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm hay về quản trị và triển khai các mô hình chuyển đổi số trong môi trường kinh doanh năng động”, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam nhấn mạnh.
Cụ thể, trong thời gian diễn ra chương trình, đoàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là thành viên của VIA đã được tiếp cận trực tiếp với các xu hướng công nghệ mới nhất đang được áp dụng tại Trung Quốc. Thông qua các buổi làm việc chuyên sâu, các doanh nghiệp đã cập nhật về các hệ thống giải pháp thông minh, các công nghệ lõi thế hệ mới, và mô hình sản xuất tiên tiến đang vận hành tại Thâm Quyến.
Đặc biệt, các nội dung xoay quanh chiến lược “Made in China 2025” đã tạo ấn tượng mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về cách Trung Quốc nâng tầm sản xuất nội địa trở thành chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu thông qua khoa học và công nghệ.
Một điểm nhấn của chương trình là hoạt động tham quan, làm việc trực tiếp với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như: Huawei - Tập đoàn viễn thông và ICT tầm cỡ toàn cầu; Tencent – "Ông lớn" trong lĩnh vực phần mềm và nền tảng mạng xã hội; Bytedance - Nhà phát triển TikTok và công nghệ AI sáng tạo; ZTE, China Telecom - Các doanh nghiệp nắm giữ hạ tầng viễn thông chiến lược; Sangfor - Chuyên gia giải pháp an ninh mạng và trung tâm dữ liệu.


Qua các buổi gặp gỡ, đoàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có cái nhìn cụ thể về khả năng phát triển hệ sinh thái số, ứng dụng AI, nền tảng điện toán đám mây, và mô hình vận hành của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, từ đó tìm ra những điểm tương đồng để phát triển hợp tác song phương.
Trong khuôn khổ chương trình, bên cạnh các hoạt động chính, những hoạt động kết nối chuyên sâu giữa doanh nghiệp hai nước cũng đã được triển khai. Nhiều phiên tọa đàm, hội thảo chuyên đề và gặp gỡ song phương đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam thảo luận trực tiếp với đối tác Trung Quốc về cơ hội đầu tư, chuyển giao công nghệ, và đào tạo nhân lực số.
Tại các phiên tọa đàm và hội thảo chuyên đề này, các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển công nghệ phù hợp với môi trường Việt Nam, cũng như tiếp thu phương pháp quốc tế về xây dựng sản phẩm theo định hướng thị trường toàn cầu.
