Chuyện nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ở Thái Bình đã hơn 40 năm nay phải nằm trên giường bệnh, kiên trì tự học mà trở thành nhà văn, tác giả của hàng chục tập sách… đã được cả nước biết tiếng. Nhưng còn chuyện anh đến tuổi 50 mới cưới vợ lần đầu, nhờ một mối tình thông qua một cuốn sách, đẹp như trong cổ tích, thì còn ít người biết.

Chàng thi sĩ tuổi 50 vẫn là… trai tân

Từ ngày Đỗ Trọng Khơi chuyển về sống tại Thái Bình, ngôi nhà số 10, ngõ 329, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Khánh, khách văn có điều kiện đến thăm anh nhiều hơn. Anh vẫn viết đều đặn, được in cũng nhiều. Ngoài một tập truyện ngắn và 10 tập thơ, ước khoảng 500 bài, đã in thành tập, Đỗ Trọng Khơi vẫn còn đúng 1.000 bài thơ chưa in. Thật là một sự lao động và sức sáng tạo ghê gớm!

Chuyện hạnh phúc của Khơi từ lâu đã trở thành mối quan tâm chung của bạn bè và người yêu thơ anh. Với người mẹ già của Khơi, thì đó là niềm khao khát. Mong ước từ bao năm nay của bà cụ là làm sao để có con dâu và có cháu nội.

Cách đây vài năm, người ta kháo nhau rằng Khơi đã có người yêu, đó là một cô giáo quê ở Vũ Lăng (Tiền Hải), cùng xã với Trần Văn Thước... người thân và bạn bè anh ai cũng mừng. Nhưng rồi trước sự cản ngăn quyết liệt của gia đình, cô gái kia đã không vượt qua nổi...

Mấy năm gần đây Đỗ Trọng Khơi rất thích nghiên cứu tử vi. Tự xem cho mình, Khơi bảo: cái “số” của anh trời “bắt thọ” đến năm 70 tuổi. Năm nay Khơi mới tròn năm mươi (tính theo tuổi ta), như vậy anh còn phải “ngụ” trên giường... hai mươi năm nữa! Cũng có nghĩa là cuộc đời còn phải cưu mang Khơi từng ấy năm. Ai sẽ giúp anh, khi người mẹ già rồi sẽ khuất núi?

Tác giả bài viết (đứng) lên tặng hoa vợ chồng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi.
Cô thủ thư tỉnh Bạc Liêu và mối tình qua trang sách

Một ngày giữa năm 2006, Đỗ Trọng Khơi nhận được một lá thư lạ, phong bì dán tem và đóng dấu bưu điện của một tỉnh miền Nam xa xôi... Đó là thư “làm quen” của một cô gái, có nét chữ mềm mại và nắn nót. Cô tự giới thiệu mình tên là Đỗ Kim Oanh, hiện đang làm thủ thư của Thư viện tỉnh Bạc Liêu. Tình cờ, cô được đọc trong cuốn sách Đa tài và đa tình của tác giả Đặng Vương Hưng, có bài viết “Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, 25 năm nằm cất tiếng gọi đời” khiến cô khâm phục, cảm động. Cô đắn đo mãi mới dám viết thư cho anh.

Đỗ Trọng Khơi quyết định viết thư trả lời cô thủ thư Kim Oanh. Nội dung chỉ đơn giản là cảm ơn sự quan tâm của cô. Cuối thư, anh không quên cho cô gái số điện thoại di động của mình.

Một buổi tối, Khơi bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số máy lạ: “Em là Oanh ở Bạc Liêu đây. Em muốn được anh coi là bạn, thỉnh thoảng mình tâm sự cho đỡ buồn”. Dĩ nhiên là Khơi đồng ý.

Vậy là từ đó, họ thường xuyên nhắn tin cho nhau. Đôi khi còn trực tiếp nói chuyện điện thoại. Oanh không hề giấu diếm khi cho Khơi biết cô sinh năm 1970, quê ở Ý Yên (Nam Định) đã có một đời chồng và một con gái. Cuộc đời Oanh cũng gặp đầy trắc trở, gian nan, vợ chồng cô đã ly hôn từ khi con gái mới chào đời, năm nay cô bé đã học hết lớp 8. Oanh vốn là cô giáo mầm non, sau mối tình đầu đầy éo le, chuyện gia đình đổ vỡ, qua một người bà con cô xin vào Bạc Liêu học lớp Trung cấp thư viện, rồi về làm thủ thư ở thư viện tỉnh. Tuy Oanh chưa biết sáng tác nhưng cô rất yêu sách, yêu đến say mê và đọc say mê. Từ yêu quý sách rồi đã yêu luôn cả người viết ra chúng...

Một lần, nhân việc Oanh hỏi ý kiến Khơi chuyện nghề nghiệp và học hành của hai mẹ con; Khơi bảo anh biết tử vi, hãy cho anh chính xác ngày sinh tháng đẻ, anh sẽ coi giúp. Sau này, Khơi thú nhận rằng anh kinh ngạc vì thấy số tử vi của Oanh chính là người phụ nữ anh cần tìm bấy lâu nay. “Cung Phu của cô ấy nói rất rõ: Phải lấy người đàn ông đứng tuổi sau khi trải qua một hai lần lỡ dở và đi làm ăn xa”.

Thế rồi Oanh tìm ra Thái Bình với Khơi... Họ rưng rưng cảm động cầm tay, nhìn nhau bằng xương bằng thịt.

Cả làng văn chúc mừng cho đám cưới

Trước ngày chính thức tổ chức lễ cưới, bạn bè Khơi mới nghe tin đã tìm đến chúc mừng rất đông. Gặp ai, anh cũng không giấu diếm khoe căn phòng hạnh phúc, trang nội thất đáng giá hàng chục triệu đồng của mình: “Đó là quà tặng của con gái nuôi biếu tôi”...

Đã lâu lắm, làng Trần Xá quê nhà thơ Đỗ Trọng Khơi mới lại có nhiều khách lạ từ xa kéo về đến thế. Hầu hết các anh em văn nghệ sĩ Thái Bình đều có mặt để chia vui với Khơi. Đỗ Trọng Khơi bảo có rất nhiều người anh “không dám mời” cưới, nhưng nghe tin, anh em vẫn về, thật quá bất ngờ và cảm động.

Chiếc sân trước cửa nhà Khơi được dựng rạp, che phông từ hôm trước. Hôn lễ được tiến hành từ 10 giờ sáng. Chú rể mặc áo sơ mi trắng, ngồi trên xe lăn, cô dâu mặc áo dài màu vàng nhạt. Khách ngồi chật kín cả mấy dãy bàn, thiếu ghế, nhiều người phải đứng xung quanh...

Rồi những mâm cỗ cưới được bê ra... “Chuyện bếp núc cỗ bàn” cũng nhiều điều thú vị: Lúc đầu, Khơi chỉ định làm 10 mâm cơm, mời bạn bè thân thiết. Sau khi đã quyết định cưới công khai, thì bàn ra tính vào, cuối cùng cả nhà quyết định phải “dự trù thêm” làm đủ 50 mâm cho cả khách ở xa về. Nhưng hóa ra số cỗ thiếu to, phải thêm cả chục mâm vẫn cứ thiếu. Rồi ai đến sau thì ngồi ghép vào mâm người đến trước. Ai cũng vui và cảm động.
 
(Theo TT&VH)