Nhờ những cách làm sáng tạo, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La không chỉ được bảo tồn mà còn được phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

Những nỗ lực này không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện vùng đất và con người Sơn La.

Vòng xòe đoàn kết của nhân dân xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tại di tích khảo cổ Mái đá bản Mòn.jpg
Vòng xòe đoàn kết của nhân dân xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu tại Di tích khảo cổ Mái đá bản Mòn.

Thuận Châu là địa bàn cư trú của khoảng 39.500 hộ, bao gồm các dân tộc: Thái, Mông, La Ha, Khơ Mú, Kháng… Trong đó, đồng bào La Ha là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), những thôn bản có đông đồng bào dân tộc La Ha của huyện đã được thụ hưởng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Tiểu dự án 1 của Dự án 9. Hạ tầng được đầu tư, những nhu cầu thiết yếu, cấp bách trong đời sống từng bước được giải quyết. Đồng bào dân tộc La Ha ở Thuận Châu còn được hỗ trợ phục dựng, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Nổi bật trong đó là hoạt động phục dựng lễ hội Láng Pang Ả (còn gọi là Lễ tạ ơn) của đồng bào dân tộc La Ha ở bản Hán, xã Chiềng Pha hồi cuối tháng 11/2024. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, đậm nhân văn của đồng bào dân tộc La Ha, nhưng trong một thời gian dài vì nhiều nguyên nhân, đồng bào không có điều kiện thực hành.

Việc phục dựng lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào mà còn góp phần xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch, tạo điểm nhấn tiêu biểu, thu hút khách khi đến với huyện Thuận Châu.

Du khách tham gia nhảy sạp khi đến Quỳnh Nhai..jpg
Du khách tham gia nhảy sạp khi đến Quỳnh Nhai

Cũng như ở Thuận Châu, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang “chuyển hóa” hiệu quả nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc, gắn với phát triển du lịch. Cùng với thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, văn hóa truyền thống được gìn giữ, khai thác, phát huy đã trở thành yếu tố hấp dẫn, “thổi hồn” cho du lịch Sơn La.

Những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc Sơn La được quảng bá rộng rãi, khai thác giá trị, tạo điểm nhấn cho các khu, điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh đã tạo nên sức hút cho du lịch Sơn La thời gian gần đây. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trong quý 1 năm nay, toàn tỉnh đón 1,76 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 1.985 tỷ đồng. Còn tháng 5, lượng khách du lịch đạt 2.587 lượt, doanh thu đạt 3.038 tỷ.

“Vùng sông nước” Quỳnh Nhai là điểm đến của du khách khi đến Sơn La.jpg
“Vùng sông nước” Quỳnh Nhai là điểm đến của du khách khi đến Sơn La

Theo Phó giám đốc Sở VHTT&DL Phạm Hồng Thu, Sơn La là nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng hết sức quý giá. Trong tiến trình đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ 4.0, văn hóa, con người Sơn La có sự tiếp thu, giao thoa văn hóa của các vùng miền, các nước trong khu vực và quốc tế, tạo nên một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.

Trong tiến trình đó, từ các chương trình, dự án, nhất là Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm triển khai các hoạt động để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Công tác bảo tồn văn hóa luôn được tỉnh triển khai gắn với phát triển kinh tế các địa phương, nhất là phát triển du lịch.

Một kết quả tích cực là những bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy đã góp phần đẩy lùi những hủ tục, trở thành chất dung môi để “chuyển hóa” chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống. Các giá trị cốt lõi, truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Sơn La được giữ gìn và phát huy, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ, sức mạnh nội sinh quan trọng để Sơn La hòa chung trong dòng chảy lịch sử của cả dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. 

17 di sản văn hóa phi phật thể quốc gia, 96 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh chứa đựng giá trị không gian và thời gian về văn hóa và lịch sử lâu đời trên miền đất Sơn La. Những di sản ấy đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy theo cách riêng, biến di sản thành vốn tài sản có giá trị thực tiễn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Khánh Thư