
Ghi lại ngấn nước để giới thiệu cho du khách.
Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, chịu ảnh hưởng chế độ lũ của hệ thống sông Thu Bồn và một phần của sông Vu Gia, trung bình mỗi năm Hội An có 1 - 3 đợt lũ. Khái niệm “sống chung với lũ lụt” dần trở nên quen thuộc với người dân.
Phố cổ Hội An có 3 dãy phố nằm ở 3 trục đường chính là Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú. Trên 3 trục đường này có nhiều ngôi nhà cổ và mỗi năm đều bị ngâm trong nước lũ. Chủ những ngôi nhà cổ nằm ở đường Bạch Đằng cho biết vì năm nào cũng có lũ nên người dân đã quen và chủ động đối phó với lũ. Chỉ cho chúng tôi xem một thang máy to làm bằng gỗ, có ròng rọc kéo, chị chủ nhà giải thích: “Năm nào cũng vậy, khi lũ đến chúng tôi chất tất cả đồ dùng vào đây sau đó dùng ròng rọc kéo lên cao khi nước rút thì kéo xuống”. Trong cơn lũ tháng 9/2009, căn nhà cổ số 96 Bạch Đằng của ông Trần Văn Sung bị nước lũ nhấn chìm dưới 3 mét nước. Để ghi lại dấu vết của trận lũ, gia đình ông Sung dùng sơn đỏ ghi lại ngấn nước. “Tôi ghi lại ngấn nước để giới thiệu cho du khách biết lũ ở Hội An như thế nào”, ông Sung giải thích. Không chỉ ông Sung mà phần lớn người dân ở đây đều làm như vậy.
Khi Hội An vào “mùa” dầm trong lũ thì chính quang cảnh lụt lội lại tạo nên “sức hút” đối với du khách. Họ rủ nhau xắn quần lội nước hay chèo thuyền ngắm phố. Mặc dù nhiều đoạn đường bị “cô lập”, khách du lịch nước ngoài vẫn thả bộ dọc phố cổ, quần xắn đầu gối, nước ngập lênh láng...
Vì vậy, trong mùa mưa bão làm thế nào để đảm bảo an toàn cho du khách là vấn đề được quan tâm của chính quyền địa phương.
Chống lụt bằng CNTT
Sau nhiều năm trăn trở, tìm cách nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lũ lụt trên địa bàn, năm 2007, ông Lê Hữu Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An đã đề xuất ý tưởng xây dựng bản đồ dự báo ngập lụt cho TP. Sau 3 năm thực hiện, giải pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) để xây dựng bản đồ ngập lụt đã được Hội đồng KH&CN TP Hội An xếp loại xuất sắc.
Trao đổi về mô hình cảnh báo, dự báo thiên tai, ông Hùng cho biết, từ những năm 1990 trở về trước, công tác dự báo ngập lụt ở nước ta ít nhiều thừa kế và phát huy nền tảng về thủy văn, thủy lực và mô phỏng ngập lụt đã được thế giới nghiên cứu. Một hướng nghiên cứu khác phù hợp hơn với điều kiện của VN là dựa trên phương pháp thống kê khách quan để mô phỏng mặt ngập lụt. Ông Hùng giải thích: khi lũ lụt xảy ra, nếu mô phỏng được mặt ngập lụt và áp lên bản đồ của Hội An thì có thể xác định được mức ngập lụt ở vị trí yêu cầu truy vấn. Khi số liệu về các tọa độ ngập lụt của một năm được cập nhật vào, hệ thống sẽ xử lý và cho ra bản đồ ngập lụt của năm đó.
Từ đó suy ra mức ngập lụt của năm nay theo dự báo. Ví dụ, mặt ngập lụt năm 2007 là 3,28m (trên báo động 3), khi có dự báo lũ sắp đến là 3,5m thì các thông số sẽ chạy trên chương trình có mặt ngập lụt là 3,28m và nội suy mặt ngập lụt là 3,5m. Từ bản đồ ngập lụt đã xây dựng, khi phủ lên bản đồ địa hình hoặc bản đồ sử dụng đất của Hội An dùng công cụ thống kê thì sẽ cho số liệu với mức ngập 3,5m thì ở Hội An sẽ có bao nhiêu nhà bị ngập lụt, bao nhiều đất ngập, trong đó bao nhiêu đất lúa, đất hoang, đất nông nghiệp… tại bất cứ vị trí nào trên địa bàn.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số Tết Tân Mão.