
Đề xuất phương án cho cán bộ công đoàn khi sắp xếp bộ máy
Thời gian qua, nhiều cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc theo chế độ hợp đồng lao động buộc phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, nhưng lại không nằm trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ như cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có 574 cán bộ công đoàn thuộc nhóm này, phần lớn có thời gian công tác lâu năm, đảm nhiệm các vị trí chuyên môn, nghiệp vụ tương đương công chức. Tuy nhiên, do những vướng mắc về mặt pháp lý, họ chưa được đưa vào đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ khi tinh giản tổ chức, gây thiệt thòi lớn về quyền lợi.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, những cán bộ này gắn bó với tổ chức công đoàn, có năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao và từng đóng góp lớn cho hoạt động công đoàn tại cơ sở. Thế nhưng khi thực hiện tinh gọn họ lại chưa được hưởng bất kỳ quyền lợi nào theo chính sách của nhà nước.
“Chúng tôi rất hiểu tâm tư, cảm xúc của anh chị em. Nhiều người đã cống hiến cả thanh xuân cho tổ chức công đoàn. Khi phải nghỉ do sắp xếp lại tổ chức, họ không có bất kỳ chính sách nào là điều rất đáng tiếc và day dứt”, ông Hiểu nói.
Ông Hiểu thông tin, thực tế Tổng liên đoàn lao động đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị đến Bộ Nội vụ, Đảng ủy Tổng liên đoàn cũng gửi 2 văn bản báo cáo đến Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương để kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho gần 600 cán bộ công đoàn hợp đồng đã cống hiến lâu năm.
Tại buổi làm việc ngày 23/6 vừa qua, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương đã báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề này.
Đến nay, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã thống nhất chủ trương giao Tổng liên đoàn lao động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án giải quyết chế độ cho cán bộ công đoàn chuyên trách đang hưởng lương từ tài chính công đoàn nhưng làm việc theo hợp đồng lao động.
“Sau chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, cán bộ công đoàn hợp đồng rất phấn khởi. Đây là động lực để chúng tôi nhanh chóng đề xuất phương án cụ thể, làm sao đảm bảo quyền lợi cho người lao động mà vẫn phù hợp với quy định pháp luật”, ông Hiểu chia sẻ.
Sẽ có chính sách riêng, căn cứ Nghị định 178 và đặc thù công đoàn
Trên tinh thần kết luận của Ban Bí thư, Tổng liên đoàn lao động và Bộ Nội vụ đang phối hợp rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ công đoàn hợp đồng, phân loại đối tượng, xây dựng chính sách trên nền tảng tham khảo Nghị định 178, Nghị định 154 cùng các quy định hiện hành.
Mục tiêu là đề xuất phương án cụ thể trình Chính phủ, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người lao động nhưng vẫn trong khuôn khổ pháp luật.
Theo ông Hiểu, do Nghị định 178 và các văn bản liên quan hiện nay chưa bao quát hết các đối tượng cán bộ công đoàn hợp đồng, cần thiết phải có chính sách riêng cho nhóm này, hoặc điều chỉnh các quy định để bổ sung họ vào diện được hưởng chế độ.
Trong trường hợp các phương án thể chế hóa chưa thể triển khai ngay, Tổng liên đoàn cũng đang tính đến đề xuất phương án trích từ nguồn tài chính công đoàn để hỗ trợ tạm thời cho cán bộ hợp đồng, giúp họ ổn định cuộc sống trong thời gian chờ cơ chế chính thức.
Việc tìm hướng tháo gỡ cho nhóm cán bộ công đoàn hợp đồng không chỉ là câu chuyện chính sách, mà còn thể hiện trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo cho người đã từng góp sức cho phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn.
Với chủ trương từ Ban Bí thư, cùng sự vào cuộc khẩn trương của Tổng liên đoàn lao động và Bộ Nội vụ, hy vọng trong thời gian tới, nhóm cán bộ công đoàn hợp đồng sẽ sớm có được một cơ chế rõ ràng, công bằng và hợp tình, hợp lý.


