1.jpg
Malaysia sắp ra sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ ưu tiên dùng phần mềm nội.

Các chuyên gia phân tích cho rằng động thái sẽ thúc đẩy ngành phần mềm trong nước nhưng cũng có thể khiến các hãng phần mềm nước ngoài bất bình.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về các ưu tiên với phần mềm trong nước dành cho các cơ quan chính phủ. Chính sách mới này là nhằm thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp CNTT nội địa nhằm tạo đà cho việc đưa ra sản phẩm phần mềm Malaysia ra thị trường thế giới.

“Tôi cho rằng các cơ quan chính phủ và các bộ cần chú trọng sử dụng các giải pháp CNTT nội địa giá cạnh tranh và chất lượng cao”, ông Najib nói tại hội nghị vừa diễn ra tại Siêu hành lang đa phương tiện (MSC), thủ đô Kuala Lumpur.

Thủ tướng Malaysia cũng khuyến cáo các tổ chức chính phủ sử dụng phương tiện điện tử để duy trì liên lạc với công chúng, gồm các công cụ như email, tin nhắn SMS và thậm chí cả mạng xã hội như Twitter và Facebook. "Ví dụ, có thể gửi tin nhắn để cảnh báo người dân về lũ lụt và nguy cơ sạt lở đất", ông nói.

Tín hiệu bất lợi với doanh nghiệp nước ngoài

Thông báo mới này được đánh giá là tín hiệu bất lợi với các công ty phần mềm nước ngoài, bởi chính phủ Malaysia là người mua các sản phẩm và dịch vụ CNTT lớn nhất.

Hiệp hội CNTT của Malaysia (Pikom) rất hồ hởi với chính sách này nhưng cũng lo ngại có thể gây ra sự hiểu lầm với các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài.

“Lưu ý là động thái này là nhằm thúc đẩy các công ty phần mềm nội địa”, Chủ tịch Pikom C. J. Ang nói. "Đây rõ ràng là một ưu thế chính phủ mang lại cho các công ty phần mềm của chúng ta, có thể giúp các doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế”.

Phát biểu trên tờ nhật báo Malaysia The Star, Chủ tịch Pikom lo ngại chính sách ưu tiên hàng nội nếu thực hiện lâu dài có thể khiến các doanh nghiệp nước ngoài coi đó là hành vi bảo hộ.

Theo văn phòng của hãng phần mềm khổng lồ Microsoft tại Malaysia, chính sách mới này có thể sẽ giúp thúc đẩy ngành phần mềm nội địa và giúp nước này duy trì được khát vọng là nền kinh tế giá trị cao.

“Sự khuyến khích như vậy từ chính phủ, chúng tôi hy vọng, sẽ giúp nhiều giải pháp 'Made in Malaysia' xuất hiện trên bản đồ toàn cầu và nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo trong các doanh nghiệp Malaysia", Dzahar Mansor, Giám đốc công nghệ của Microsoft Malaysia nói trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với ZDNet Asia.

“Là công công ty nền tảng và có hệ sinh thái nội địa rộng khắp (hiện có 5.000 đối tác nội địa và 800 công ty phần mềm độc lập), Microsoft hy vọng các giải pháp phần mềm nội địa một ngày nào đó sẽ lớn như ngành công nghệ chế tạo làm được cho nền kinh tế Malaysia", Dzahar Mansor nói.

Thủ tướng đi đầu trong việc ứng dụng CNTT

Ông Najib, người trở thành Thủ tướng Malaysia vào tháng Tư năm nay, là người tích cực khuyến khích các quan chức chính phủ ứng dụng công nghệ. “Tôi muốn là người tiên phong trong việc sử dụng CNTT để tiếp cận với người dân. Trang web của tôi (1Malaysia.com.my) cho phép người dân Malaysia liên lạc trực tiếp với tôi qua Internet”, ông nói. “Người dân Malaysia quan tâm đến công việc hàng ngày của tôi có thể theo đuôi tôi trên Twitter".

Thủ tướng Najib cho biết MSC của Malaysia đang bước vào giai đoạn phát triển thứ ba, với mục tiêu đưa nước này trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức, sáng tạo và có thu nhập cao. MSC hiện có có trên 2.000 công ty, tạo ta doanh thu hàng năm khoảng 5 tỷ USD, 90.000 việc làm và xuất khẩu hơn 1,6 tỷ USD trị giá hàng hóa và dịch vụ. Đến nay, các công ty làm ăn ở MSC đã đăng ký hơn 4.000 bản quyền sở hữu trí tuệ và có 51 công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước.

Ông Najib cũng cho rằng MSC cũng đang trên đường trở thành trung tâm sáng tạo trong lĩnh vực đa phương tiện với hơn 200 công ty nội dung số tạo ra khoảng 200 triệu USD doanh thu và cung cấp việc làm cho hơn 7.000 người.

Tại hội nghị ở MSC, ông Najib yêu cầu MSC tập trung phát triển ngành nội dung số và thiết lập các phòng nghiên cứu tầm cỡ thế giới để thu hút tài năng đến với Malaysia. Thủ tướng Najib cũng cam kết chính phủ nước này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp CNTT trong nước bằng cách ưu tiên mua sắm để các công ty CNTT này có thể trở thành biểu tượng của khu vực và thế giới.

Theo ZdnetAsia