
Trong trao đổi tại tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số” được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - MSD cùng TikTok tổ chức ngày 18/5, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về giải pháp để thúc đẩy sức khỏe tinh thần của trẻ em trên môi trường số.

Theo vị chuyên gia tâm lý này, sức khỏe số không chỉ là việc kiểm soát thời gian dùng thiết bị, mà còn là năng lực tự điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi trong môi trường mạng. Với thanh thiếu niên, thế hệ sinh ra cùng công nghệ – những áp lực từ mạng xã hội, cảm giác bị so sánh, bị bỏ rơi, hoặc mất kết nối thật có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần.
“Điều đáng lo là nhiều trẻ em không nhận ra mình đang bị tổn thương, trong khi người lớn thì thường phát hiện quá muộn. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận: không chỉ dạy con 'dùng công nghệ đúng cách', mà còn cần cùng con hiểu thế giới số như một không gian sống có cả rủi ro và cơ hội. Thanh thiếu niên cần được lắng nghe, cần kỹ năng để tự điều chỉnh, và quan trọng nhất là cần có người đồng hành, không phải để kiểm soát mà để kết nối”, Phó Giáo sư Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con ở giai đoạn vị thành niên, đồng thời nhấn mạnh: “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà cần sự tham gia tích cực của mỗi gia đình, đặc biệt là phụ huynh. Cha mẹ chính là ‘vắc xin số’ đầu tiên của các con – người giúp con hình thành khả năng tự bảo vệ, nhận biết rủi ro và phát triển lành mạnh trong không gian mạng”.
Đại diện Cục Bà mẹ và Trẻ em cũng lưu ý: Trẻ em có quyền nhưng cũng có bổn phận. Người sáng tạo nội dung trên các nền tảng số có quyền và cũng cần có trách nhiệm. Tất cả các bên liên quan đều cần đặt trách nhiệm bảo vệ trẻ em lên trên hết.
“Tôi tin rằng đất nước đang bước vào thế vận hội mới và sẽ còn nhiều thay đổi về công nghệ, nhưng nếu chúng ta cam kết và nỗ lực, chúng ta sẽ có thể biến khát vọng thành hành động, để có thể lan tỏa năng lượng tích cực, tử tế cho các thế hệ trẻ kế cận liên tục”, đại diện Cục Bà mẹ và Trẻ em bày tỏ.

Chia sẻ về các chính sách đảm bảo an toàn số và sức khỏe số cho thiếu niên trên nền tảng TikTok, ông Đặng Kim Long, Quản lý chính sách công, TikTok Việt Nam cho biết: TikTok đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của nhiều bạn trẻ, nơi các bạn thỏa sức sáng tạo, giao lưu với bạn bè và học hỏi thêm nhiều điều thú vị.
Khẳng định TikTok luôn chú trọng xây dựng các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dùng trẻ, ông Đặng Kim Long cho hay, bên cạnh việc thiết kế các chế độ mặc định phù hợp ngay từ khi tạo tài khoản, với mục tiêu mang lại trải nghiệm tích cực cho các bạn trẻ và sự yên tâm cho phụ huynh, TikTok đã phát triển thêm các tính năng hỗ trợ phụ huynh và người giám hộ để họ có thể dễ dàng đồng hành cùng con em mình.
