hi-tech.gif
Ảnh minh họa

Càng ngày, người tiêu dùng càng đưa về nhà nhiều thiết bị công nghệ, như TV màn hình lớn, PC, ĐTDĐ và các thiết bị công nghệ, điện tử khác. Những sản phẩm này ngày càng ngốn nhiều điện. Trong rất nhiều trường hợp, những sản phẩm này dùng nhiều điện hơn so với những sản phẩm trước đây.

“Mỗi hộ gia đình đang tiêu thụ nhiều điện hơn vì tất cả những thiết bị này”, Bernadette Del Chiaro, làm việc trong tổ chức phi lợi nhuận Environment California, nói. “Chúng ngốn nhiều điện hơn bạn tưởng”.

Với cá nhân, điều đó có nghĩa hóa đơn tiền điện cao hơn. Với xã hội, nó có nghĩa là các loại khí hiệu ứng nhà kính tăng lên.

Đồ điện tử ngày càng ngốn điện

Tổng năng lượng mà các thiết bị điện tử tiêu thụ tăng lên nhanh chóng, trong khi đó lượng điện mà các thiết bị tiêu dùng khác, như tủ lạnh hay điều hòa lại giảm đáng kể. Năm 2001, trung bình hộ gia đình Mỹ dùng khoảng 778 kilowatt giờ mỗi năm - khoảng 7% tổng lượng điện tiêu thụ - cho các thiết bị công nghệ, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Con số đó tăng so với mức 633 kilowat giờ/năm – hay 6% tổng lượng điện của cả gia đình – hồi năm 1997.

Một phần nguyên nhân nằm ở sự đa dạng thiết bị. Các loại đầu video, MP3 và hàng không dây đang phổ biến. ĐTDĐ hầu như ở đâu cũng có. Nhiều người tiêu dùng đã có hơn 1 chiếc PC tại nhà.

Cùng với thời gian, người tiêu dùng thay thế đồ công nghệ cũ bằng những sản phẩm lớn hơn, chạy nhanh hơn – và thường là “ngốn điện” hơn. Chẳng hạn, TV màn hình LCD tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn so với loại TV tia catot cũ. Nhưng người dùng lại thay chiếc TV cũ bằng chiếc TV mới lớn hơn, do đó giảm tính hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, điện còn bị tiêu thụ ngay cả khi họ không xem TV.

May mắn là, các chuyên gia công nghệ nói, bạn không phải vứt bỏ chiếc TV LCD mới mua để tiết kiệm điện. Công nghệ mới sẽ giúp người tiêu dùng giảm tiêu dùng điện. “Tiết kiệm năng lượng là tiêu chí của nhiều nhà sản xuất”, Noah Horowitz, một nhà khoa học của tổ chức môi trường Natural Resources Defense Council, nói.

Ngành công nghiệp điện tử ngày nay cũng đã chú ý nhiều hơn đến vấn đề năng lượng. Nhiều thiết bị nay đã dùng ít điện hơn khi ở chế độ chờ (standby) so với trước. Sự phổ biến của các thiết bị xách tay – ĐTDĐ hay laptop – đã buộc nhà sản xuất phải nghĩ nhiều đến hiệu quả năng lượng để kéo dài tuổi thọ pin và giảm độ nóng.

“Mẹo” tiết kiệm điện

Tuy vậy, có rất nhiều việc người tiêu dùng cũng làm được để tiết kiệm điện, như tắt hẳn thiết bị khi không dùng, điều chỉnh chế độ để tiêu tốn ít điện, và mua sắm những thiết bị được đánh giá là tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. 

Đo lượng điện: dùng đồng hồ để xem lượng điện bạn dùng là bao nhiêu, bạn sẽ biết một thiết bị tiêu tốn hết bao nhiêu điện khi chúng ở chế độ sử dụng, hay khi chờ, hay khi tắt hẳn.

Điều chỉnh chế độ: Màn hình máy tính LCD và TV thường được đặt ở chế độ sáng cao nhất. Giảm bớt độ sáng có thể giúp tiết kiệm điện đáng kể. 

Tắt hẳn thiết bị khi không dùng có thể giúp tiết kiệm điện. Vì các thiết bị công nghệ thường dùng lượng điện kha khá ngay cả khi chúng chỉ được tắt trên danh nghĩa. Hãy rút hẳn phích cắm ra khi không dùng. Các chuyên gia ước tính người tiêu dùng có thể giảm 5% hóa đơn tiền điện chỉ bằng những hành động như tắt máy khi không dùng. “Đó là cách đơn giản mà mọi người có thể làm để tiết kiệm tiền”, Casey Harrell, một chuyên gia tại Greenpeace, nói.

Dùng loại ổ cắm dài sẽ giúp bạn chỉ việc nhấn một nút bấm là tất cả thiết bị sẽ cùng tắt. Mua lại ổ cắm thông minh biết tự động tắt nguồn điện khi chúng cảm thấy thiết bị không được sử dụng. 

Mua sắm thông minh những thiết bị tiết kiệm điện, nó có thể giúp tiết kiệm đến 25% lượng điện. Khi mua, hãy nghĩ đến việc thiết bị sẽ ngốn bao nhiêu điện nếu dùng. Điều này sẽ giúp bạn lựa chọn thông minh hơn.

Theo Seattle Times, San Jose Mercury News