DigitalDivide.jpg

Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, trong gói kích cầu trị giá 787 tỷ USD, thì 0,91% được dùng để phát triển băng thông rộng; 2,8% ứng dụng CNTT trong y tế; 1,7% để đầu tư ứng dụng CNTT trong sử dụng hợp lý và tiết kiệm năng lượng và 1,5% để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D). Trong 10,8 tỷ USD kích cầu của Ca-na-đa, 4,6% đầu tư ứng dụng CNTT trong y tế; 2,1% đầu tư phát triển băng thông rộng ở nông thôn và 10,5% đầu tư cho R&D. Ma-lai-xi-a dành 1,7 tỷ USD trong gói kích cầu 19 tỷ USD để xây dựng thư viện điện tử, trung tâm cộng đồng băng thông rộng với mục tiêu đến năm 2010 nâng số hộ gia đình kết nối internet từ 21% hiện nay lên 50%; cấp 4 giấy phép Wimax phủ sóng 40% số hộ vào cuối năm 2009. Ở Hàn Quốc, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Chính phủ nước này đã cho các hộ gia đình thu nhập thấp thuê 50.000 máy tính trong 4 năm và cung cấp miễn phí kết nối internet băng thông rộng trong 5 năm...

Ước tính, nếu phát triển băng thông rộng, giá trị tăng thêm của cộng đồng sử dụng sẽ gấp 18-20 lần so với lợi ích của nhà khai thác mạng. Nếu chậm phát triển mạng thì cứ 3 năm giá trị tăng thêm sẽ giảm đi 25%. Theo các chuyên gia quốc tế, trong 3 năm thực hiện chương trình phát triển kết nối internet, với nguồn vốn chỉ 7 triệu USD (trong đó ngân sách địa phương chiếm 80%), bang Kentucky, Hoa Kỳ đã tăng số hộ gia đình kết nối internet băng thông rộng từ 60% (năm 2005) lên 97% (năm 2008), mang lại 63.000 việc làm mới với tổng thu nhập từ lương 2,1 tỷ USD, tiết kiệm 22,6 triệu USD tiền khám chữa bệnh và 92,1 triệu USD tiền xăng xe đi lại hằng năm...

Theo tính toán của Tập đoàn Intel, tại Hoa Kỳ, số thuê bao internet băng thông rộng cứ tăng 7% sẽ tạo ra 134 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ, 2,35 triệu việc làm mới, giảm thiểu 3,2 tỷ galông khí thải carbon hằng năm.

Việt Nam hiện mới có khoảng 2 triệu thuê bao internet băng thông rộng, chiếm dưới 10% số hộ gia đình. Vì vậy, tiềm năng phát triển còn rất lớn. Do đó, đây có thể là cơ hội để tạo sự đột biến trong phát triển hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chính phủ có thể nghiên cứu đưa vào gói kích cầu các chương trình như: ứng dụng CNTT trong chẩn đoán và khám, chữa bệnh từ xa (có thể lồng ghép trong chương trình trái phiếu Chính phủ về y tế); CNTT trong học tập và giảng dạy (lồng ghép với chương trình kích cầu giáo dục, hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay để học tập); trong phát triển internet băng thông rộng cho vùng sâu, vùng xa, phục vụ giao dịch thương mại trực tuyến, theo dõi thị trường giá cả nông sản và vật tư nông nghiệp, tư vấn khuyến nông, khuyến ngư (lồng ghép trong chương trình kích cầu ở nông thôn, hỗ trợ nông dân). Đồng thời, Chính phủ có thể thực hiện chương trình cung cấp máy tính giá rẻ, đầu tư vào hạ tầng CNTT, viễn thông... để tạo việc làm cho xã hội. Đặc biệt, phát triển băng thông rộng không dây sử dụng công nghệ Wimax là con đường nhanh nhất để mọi người có thể đến với internet, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long hay miền núi phía Bắc.

Vì vậy, ngoài những chính sách về miễn, giãn, giảm thuế thu nhập DN, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… dành cho DN và cộng đồng, rất cần có những gói kích cầu riêng cho ngành CNTT, cả về phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông, phần mềm và đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Ngoài tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết việc làm, băng thông rộng còn có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế quốc dân như y tế, giáo dục, giao thông, môi trường... Với những thông tin sơ bộ như đã trình bày ở trên, cộng đồng CNTT mong được Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia kinh tế nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội và Chính phủ sớm có những quyết sách thích hợp, hình thành và đưa ra gói kích cầu cho lĩnh vực công nghệ cao càng sớm càng tốt.

Theo HNM