Thông tin này được bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) lần đầu tiên chia sẻ với đoàn công tác Cuộc thi “Trăm năm đệ nhất danh trà”.

“Búp trà cổ có thể pha được tới 22 nước”

Theo bà Hải, sau khi phát hiện được hơn 30 gốc chè cổ thụ tại ở núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ trước đây thì việc phát hiện thêm hơn 20 gốc chè cổ thụ tại khu vực đỉnh núi Tam Đảo – nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, thuộc địa phận xã La Bằng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) càng củng cố thêm giả thuyết, nguồn gốc cây chè cổ ở La Bằng cũng chính là một trong 2 giống chè tổ của tỉnh Thái Nguyên.

Điều đặc biệt của những cây chè cổ tại La Bằng không chỉ ở đường kính (tới cả người ôm) và số tuổi của cây (đến cả trăm năm), thì việc “búp trà được hái từ những cây cổ thụ trên đỉnh núi Tam Đảo này có thể pha được tới 22 nước”. Thông tin này cũng gây “sốc” và được coi là một trong những phát hiện thú vị dành cho các học giả, văn nghệ sĩ cùng các nhà báo tham gia chuyến tham quan thực tế Cuộc thi “Trăm năm đệ nhất danh trà”.

W-z6754302909288_2eae3fb9400ed2ef82ded68a0a4c3305.jpg
Bà Nguyễn Thị Hải đang chia sẻ về phát hiện thêm hơn 20 gốc chè cổ, nghi là chè tổ của địa phương tại đỉnh núi Tam Đảo, khu vực xã La Bằng, tỉnh Thái Nguyên.

“Với trà bình thường, pha đến nước thứ 4 là đã nhạt vị và màu. Nhưng với những búp trà cổ từ 2 lần đoàn HTX chè La Bằng khảo sát và thu hái được, sau công đoạn sao, sấy và chế biến mới có thể thu được chừng 50g. Trong lần thưởng vị trà (duy nhất), với 1 ấm chừng 15g, các búp trà cổ này cứ 3 nước lại có vị riêng, có thể pha được tới 22 nước. Đặc biệt, ở nước thứ 15, vị trà có hương rất đặc biệt, rất khó diễn tả”, bà Hải thông tin.

Đồng thời bà Hải cho biết, chính những đặc trưng của màu nước, vị hương nói trên nên bà Hải có niềm tin xác đáng rằng: “Đây mới chính là phẩm hạnh của chè Thái Nguyên, đại diện cho giống chè gốc của địa phương”.

Khi được đoàn ngỏ ý muốn tận mắt xem những búp trà cổ này, bà Hải cho biết, do số lượng thu hái được rất ít nên muốn để dành lại cho đoàn khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân tích, đo kiểm và công bố cho thực sự khách quan, khoa học. Đồng thời, bà Hải cũng kiến nghị, trong đề xuất về cây di sản của tỉnh Thái Nguyên tới đây, ngoài 30 gốc chè cổ thụ tại núi Bóng, quần thể 20 gốc chè cổ tại La Bằng cũng cần được khảo sát khoa học và công nhận cùng đợt.

Phấn đấu doanh thu 1 tỉ đồng cho mỗi ha chè

Thông tin thêm về tổng quan cây chè tại Thái Nguyên, vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”, ông Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chè Thái Nguyên hướng tới mục tiêu đạt giá trị 25.000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD/ha trong thời gian tới. Nhưng để đạt được mục tiêu này, doanh thu trên mỗi ha chè không chỉ trông chờ từ bán sản phẩm từ cây chè, mà còn là sự kết hợp giữa chè với các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa ẩm thực, tạo được các giá trị gia tăng trên cùng diện tích trồng chè…”.

W-z6754302919216_b383cd9b1cd8a2f5b4969e6d275e9ff4.jpg
La Bằng - 1 trong 4 vùng trồng chè nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Nguyên (cùng với Tân Cương, Khe Cốc và Trại Cài), nơi duy nhất phát hiện được các quần thể cây chè cổ. 

Cũng theo ông Lộc, với tổng diện tích chè hiện có trên 22.200 ha, sản lượng búp tươi đạt trên 272.000 tấn, giá trị sản phẩm trà của toàn tỉnh Thái Nguyên năm 2024 mới đạt khoảng 13.800 nghìn tỉ đồng. Như vậy, mỗi ha chè mới mang lại doanh thu trên 500 triệu đồng và cũng mới trải qua giai đoạn là cây “xóa đói giảm nghèo” của địa phương. Theo đó, để nhân đôi được doanh thu trên mỗi ha chè, ngành chè Thái Nguyên còn rất nhiều việc phải làm.

Quay lại với nội dung những cây chè cổ, theo Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành chè giai đoạn 2025 – 2030 của tỉnh Thái Nguyên, một trong những nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên là lập hồ sơ trình công nhận 2 quần thể các cây chè cổ Thái Nguyên (ở núi xóm Bóng xã Minh Tiến; và xã La Bằng – cùng thuộc huyện Đại Từ) là cây di sản Việt Nam; đồng thời xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, kéo dài tuổi thọ các cây chè cổ.

Được biết, hơn 30 gốc chè cổ tại khu vực núi Bóng, có độ cao từ 600 m đến 800 m so với mực nước biển; đường kính gốc khoảng 30 - 40 cm, cao từ 25 - 30 m, có tuổi đời lên đến trên 300 năm, được cho là đã tồn tại từ sau thời nhà Mạc (khoảng thế kỷ XVII). Đáng chú ý, trong báo cáo khảo sát của Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), những cây chè cổ ở núi Bóng có tuổi đời còn nhỉnh hơn cả các cây chè cổ đã được công nhận là di sản ở Suối Giàng (Yên Bái), Vân Hồ (Sơn La), Tủa Chùa (Điện Biên), chè Shan tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang), chè Hoàng Thu Phố (Lào Cai)… 

Trong khi đó, các cây chè cổ tại La Bằng dù được người dân phát hiện, nhưng vẫn đang phải chờ các đoàn khảo sát lên nghiên cứu và công bố chính thức. Tuy nhiên, La Bằng – 1 trong 4 vùng trồng chè nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Nguyên (cùng với Tân Cương, Khe Cốc và Trại Cài), với diện tích vùng trồng rộng nhất, độ cao khu vực trồng lớn nhất (có số ngày được mây mù của dãy Tam Đảo che phủ nhiều nhất), nơi duy nhất phát hiện được các quần thể cây chè cổ… đang nổi lên trở thành một trong những “cái nôi” của cây chè Thái Nguyên. Phát hiện này cũng góp phần làm giàu thêm tính đa dạng sinh học, thể hiện nét văn hóa trà đặc trưng riêng có của cây chè Thái Nguyên – mảnh đất được mệnh danh “Đệ nhất danh trà”…