Công trình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng được các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến (tỉnh Nam Định - nay là tỉnh Ninh Bình) đúc trong vòng 2 năm.

Chất liệu chính để đúc tượng là đồng nguyên khối, dát vàng. Tượng có chiều cao 10m, nặng 100 tấn, được đặt ngồi trên đài sen đã nở cao 1,5m trong chính điện Giáo chủ (hay Thích Ca Phật điện), chùa Bái Đính.

W-11111112222333.jpg
Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được đặt trong chính điện Giáo chủ, chùa Bái Đính

Theo đại diện chùa Bái Đính, các nghệ nhân đã phải định vị bức tượng (đưa vào - PV) vào bệ đỡ hình đài sen trước, rồi mới bắt đầu xây dựng điện thờ.

Bức tượng Phật Thích Ca tay phải cầm búp sen giơ cao ngang đầu, ngón cái và ngón giữa bàn tay đỡ cuống sen, tay trái đặt ngửa lòng bàn tay trên chân phải ngang trước bụng, hay còn gọi là tư thế "niêm hoa vi tiếu" (cầm hoa mỉm cười).

Cách nói đầy đủ của tư thế này là "Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu", nghĩa là Đức Phật Thích Ca cầm bông hoa đưa lên, ông Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Đây là câu chuyện về việc Phật thuyết pháp được mô tả trong kinh Bi Hoa.

W-1111111111111.JPG.jpg
Tượng cao 10m, nặng 100 tấn được đúc bằng đồng nguyên khối, dát vàng

“Bông hoa sen ngài cầm trên tay đại diện cho chúng sinh, hoa sen sẽ nở nếu chúng ta có tâm muốn hướng về Phật. Trong hoa sen có cả nhân, quả. Mà đạo Phật luôn hướng tới nhân quả, ai gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, nên hoa sen đã gắn liền với đất Phật cho đến ngày hôm nay” - đại diện nhà chùa lý giải.

Phía sau lưng bức tượng Phật Thích Ca này là tấm phù điêu hình chiếc lá bồ đề kép khổng lồ được gắn 100 bức tượng phật nhỏ, với ý nghĩa nhắn nhủ rằng ở bất kỳ nơi đâu, Đức Phật vẫn luôn tồn tại và hiện hữu xung quanh chúng ta.

W-2222222222222.JPG.jpg
Tay phải Phật cầm búp sen giơ cao lên ngang đầu, ngón cái và ngón giữa bàn tay đỡ cuống sen

Ngoài tượng Phật được thờ ở giữa, du khách khi đến đây còn thấy bức tượng 2 vị đệ tử của ngài ở 2 bên. Bên tay trái là đại đệ tử Ananda (A Nan) - người có trí tuệ siêu phàm và có nhiệm vụ ghi chép lời dạy của Đức Phật để kết tập thành kinh điển, trên tay cầm bộ tam tạng kinh điển nổi tiếng của nhà Phật. Phía tay phải là đại đệ tử Mahacaspa (Ca Diếp) - một nhà sư lựa chọn theo con đường tu khổ hạnh. Tượng của 2 vị đệ tử đều được làm bằng đồng và dát vàng cao hơn 7m, nặng 30 tấn.

Điện Giáo chủ được xây dựng từ năm 2003 với chiều cao 30m, rộng gần 2.000m2. Điện gồm 2 tầng mái cong, có 8 mái ở 4 phía.

Bức tượng Đức Phật không chỉ là biểu tượng của trí tuệ và giác ngộ trong Phật giáo mà còn là một trong những điểm hành hương linh thiêng, thu hút đông đảo Phật tử và du khách từ khắp nơi đến chiêm bái mỗi năm.

W-4444444444444.JPG.jpg
Tượng có tay trái đặt ngửa lòng bàn tay trên chân phải ngang trước bụng, hay còn gọi là tư thế "niêm hoa vi tiếu"

Pho tượng Phật Thích Ca trong điện Giáo chủ ở chùa Bái Đính đã được Trung tâm kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là “Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á”.

Sau đây là một số về hình ảnh tượng Phật bằng đồng dát vàng này.

W-55555555555555.JPG.jpg
Phần đầu tượng Phật được các nghệ nhân chạm khắc tinh xảo
W-66666666666.JPG.jpg
Phật ngồi trên đài sen đã nở uy nghi
W-tượng 1.jpeg
Pho tượng Đức Phật là biểu tượng của trí tuệ và giác ngộ trong Phật giáo, thu hút đông đảo phật tử và du khách từ khắp nơi đến chiêm bái
W-tượng phật 2.jpeg
Pho tượng Phật cũng được xác lập kỷ lục là “Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á”
W-tượng phật 4.jpeg
Phía sau pho tượng là tấm phù điêu hình chiếc lá bồ đề kép khổng lồ, được gắn 100 bức tượng Phật nhỏ 
W-tượng phật 3.jpeg
Phía tay phải là đại đệ tử Mahacaspa (Ca Diếp)
tượng phật 1.jpeg
Bên tay trái là đại đệ tử Ananda (A Nan)