Vừa qua ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân tỉnh Bình Định, Trung tâm Thông tin & Thống kê khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định) đã tổ chức tập huấn cho gần 40 cán bộ tại 2 xã Ân Tín và Ân Thạnh của huyện Hoài Ân về khai thác sử dụng thông tin khoa học và công nghệ.

a1-binh-dinh-tap-huan-huong-toi-cach-mang-cong-nghiep-4-0.jpg

Mục tiêu của lớp tập huấn là nâng cao năng lực khai thác thông tin khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Đây là một nhiệm vụ mà thông qua mạng lưới cung cấp thông tin khoa học và công nghệ Trung tâm được Sở Khoa học và Công nghệ giao trong nhiệm vụ xây dựng mạng lưới thông tin năm 2017.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đưa tin, phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Tình - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin & Thống kê khoa học và công nghệ nhận định với sự phát triển của CNTT và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, thông tin khoa học và công nghệ ngày càng được thể hiện rõ là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển sản xuất, nâng cao năng suất thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tín thì chia sẻ việc xây dựng trang thông tin để giới thiệu quê hương con người cũng như sử dụng khai thác thông tin khoa học và công nghệ vào sản xuất bền vững, nâng cao đời sống văn hóa là vô cùng ý nghĩa. Lớp tập huấn trang bị cho cán bộ và bà con ở 2 xã Ân Tín, Ân Thạnh cách khai thác sử dụng các thông tin khoa học và công nghệ thông qua mạng lưới thông tin để ứng dụng trong quản lý, sản xuất và canh tác.

Việc hình thành mạng lưới thông tin khoa học và công nghệ ở Bình Đình giúp hình thành kênh trao đổi hai chiều giữa các thành viên trong mạng lưới, làm cầu nối để giúp người có nhu cầu sử dụng thông tin tại các địa phương của tỉnh dễ dàng tiếp cận thông tin tiến bộ về khoa học và công nghệ, rút ngắn khoảng cánh giữa nghiên cứu và ứng dụng, đưa nghiên cứu đến gần với người dùng, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, cũng như di tích, thắng cảnh tại địa phương.

Những định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 ở Bình Định dù vẫn sơ khai nhưng rất cần thiết. Trong Hội thảo khoa học "Đổi mới sáng tạo phát triển bền vững vùng và địa phương trong bối cảnh mới" do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không muốn tụt lại phía sau, Việt Nam không còn còn đường nào khác là đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả.

TS Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, từ một nước nghèo trở thành một nước trung bình, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, Việt Nam đã tiệm cận tới ngưỡng của mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ. Vì vậy, cần phải tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn nữa trong các thập kỷ tới mới có khả năng giải quyết được các thách thức phát triển đang đặt ra hiện nay.

Những động thái mới đây trên thế giới cho thấy, đổi mới sáng tạo đang nổi lên như là nhân tố chen chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia; chỉ có đổi mới sáng tạo, con người mới giải quyết được những thách thức lớn trong thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, an ninh sinh thái, an ninh năng lượng, an ninh lượng thực, khủng hoảng về mô hình phát triển.

Ông Bùi Đức Hùng cho rằng, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có thể bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu họ có chiến lược và đối sách đổi mới sáng tạo. Như Thủ tướng Chính phủ đã từng khẳng định, "cách mạng 4.0 chính là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc ta".

"Tuy nhiên, sẽ không có một hình mẫu chung về sự đổi mới sáng tạo cho tất cả, mà mỗi quốc gia phải linh hoạt, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, của từng vùng và từng địa phương, của từng lĩnh vực", ông Bùi Đức Hùng khẳng định.

TS Hoàng Hồng Hiệp (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ) thì cho rằng mấu chốt quyết định sự thành bại của phát triển kinh tế hiện nay chính là xây dựng năng lực công nghệ hiện đại cho nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đổi mới và sáng tạo công nghệ cho hệ thống doanh nghiệp.

Phát triển năng lực công nghệ cho doanh nghiệp sẽ tạo ra năng lực sản xuất mới, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng các ngành. Đây cũng vừa là tiền đề hình thành các nghề mới có năng lực cạnh tranh quốc tế, vừa là chìa khoá thực hiện tăng trưởng xanh.

Ông Hoàng Hồng Hiệp đề xuất, đối với vùng và địa phương cần chú trọng đội ngũ lao động lành nghề, có trình độ kỹ năng; hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp nội vùng đổi mới công nghệ; xây dựng chính sách đột phá nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ của từng vùng, thu hút nguồn vốn FDI có công nghệ cao...

Một số địa phương đã triển khai sớm xu hướng này. Tháng 11 vừa qua ở Đà Nẵng, trong khuôn khổ chương trình sự kiện Ứng dụng đổi mới, chuyển giao công nghệ năm 2017 đã diễn ra Diễn đàn kết nối công nghệ xanh - nông nghiệp sạch do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với Dự án hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông - Ngân hàng Phát triển Châu Á và Sở Khoa học & Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Trong thời gian thảo luận, các vị khách mời đã nêu ra rất nhiều ví dụ đáng học hỏi về ứng dụng thành quả công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp. Như theo bà Vũ Thị Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, tại TP.HCM một số doanh nghiệp trong khu nông nghiệp công nghệ cao đã ứng dụng công nghiệp 4.0 thành công trong sản xuất nông nghiệp, ví dụ Công ty Real-Time Analytics (RTA) đã cung cấp cho các nông dân phần mềm quản lý giúp nông dân quản lý tiến trình canh tác và chứng minh quy trình đã được thực hiện.