Theo các quan chức Mỹ, ông Hegseth đã tự quyết định dừng một chuyến hàng vũ khí tới Ukraine vào ngày 2/7 dù các đánh giá quân sự nội bộ cho thấy khoản viện trợ này không ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng của quân đội Mỹ. Quyết định tạm ngừng viện trợ các hệ thống phòng không, tên lửa và đạn dược quan trọng này được thực hiện mà không tham khảo ý kiến của các nhà lập pháp hoặc đối tác nước ngoài.

Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth - EPA
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: EPA

Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker đã xác nhận động thái trên, đồng thời giải thích việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể làm nguồn đạn dược quan trọng, cần thiết cho các lực lượng Mỹ cạn kiệt. 

Song, 3 quan chức Mỹ cho biết, một cuộc đánh giá của các sĩ quan quân đội cấp cao cho thấy, kho dự trữ của Mỹ ở mức thấp nhưng không ở dưới mức tối thiểu. Họ lưu ý, việc Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth dừng chuyến hàng viện trợ cho Ukraine là "hành động tự quyết", đánh dấu lần thứ 3 ông làm như vậy kể từ tháng 2. Các lệnh đình chỉ trước đó đã được đảo ngược sau khi Quốc hội Mỹ phản đối. 

NBC News cho biết thêm, trước khi đưa ra lệnh đình chỉ, ông Hegseth không bàn bạc với các nhà lập pháp hoặc chính quyền. 

Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sean Parnell mô tả việc tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine là một phần của cuộc đánh giá năng lực, đồng thời tuyên bố Mỹ không thể "cung cấp vũ khí cho tất cả mọi nước trên toàn thế giới".

Nhà Trắng cũng lên tiếng bảo vệ quyết định của ông Hegseth, trích dẫn cuộc đánh giá đang diễn ra của Bộ Quốc phòng. Tổng thống Donald Trump tuyên bố trước báo giới rằng, Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho Kiev nhưng cũng phải đảm bảo đáp ứng các nhu cầu quân sự của chính nước này. 

Nghị sĩ Adam Smith, đảng viên Dân chủ hàng đầu tại Ủy ban Vũ trang Hạ viện Mỹ cáo buộc các lời biện minh cho quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth dựa vào lo ngại về sự sẵn sàng là "không trung thực". 

Tờ Bild của Đức dẫn lời các chuyên gia quân sự lưu ý, nếu việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine dừng lại, Kiev có thể cạn kiệt kho đạn dược quan trọng vào cuối mùa hè. Điều này có thể khiến quân đội Ukraine gặp khó khăn trong việc đánh chặn máy bay không người lái của Nga và làm cho hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất gần như vô dụng. 

Trong một diễn biến liên quan, tờ The Guardian đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 4/7 đã trò chuyện qua điện thoại.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về năng lực phòng không của Ukraine và phối hợp sản xuất thiết bị quốc phòng. Ông Zelensky đánh giá cuộc điện đàm này là "quan trọng và hữu ích". 

Vắng Mỹ, NATO đủ sức cung cấp vũ khí cho Ukraine?
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiểu rõ việc Mỹ ưu tiên lợi ích quốc gia, nhưng các đồng minh châu Âu không thể tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga nếu không có sự hỗ trợ từ Washington.