Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiểm tra, xử lý cán bộ 'tiếp tay' cho hàng giả

Theo kết quả phiên họp thứ 28 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các cơ quan đã chủ động nhận diện, phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh với quy mô lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết, móc nối giữa doanh nghiệp với cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước. Có thể kể đến vụ sản xuất, buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả của công ty MediPhar và công ty MEDIUSA, ngoài khởi tố các đối tượng trong doanh nghiệp, đã khởi tố một số cán bộ, công chức Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về hành vi nhận hối lộ; vụ sản xuất, buôn bán sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội; vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả ở Thanh Hóa… Ban chỉ đạo thống nhất đưa 6 vụ án vụ việc vào diện Ban chỉ đạo theo dõi. Trong số nay có 4 vụ án, vụ việc liên quan đến sản xuất buôn bán hàng giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc chữa bệnh giả, trong đó có liên quan đến công ty Z holding và Cục An toàn thực phẩm, Bộ y tế. Ban chỉ đạo giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra những hành vi, dấu hiệu vi phạm, tiếp tay, tham nhũng, tiêu cực trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện kiểm định rồi sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm giả ảnh hưởng đến sức khoẻ tính mạng và tài sản của người dân. Việc này thực hiện xong trong quý 3. Ban chỉ đạo yêu cầu hoàn thiện thể chế và khắc phục những sơ hở bất cập trong các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu: Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra lại toàn bộ

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước. Trước đó, tại văn bản ngày 1/7, Bộ Tài chính bị phê bình về việc báo cáo liên quan đến sự vụ này "rất chậm". Nội dung báo cáo và kiến nghị chưa thể hiện đúng trách nhiệm, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu; chưa thực hiện đúng quy định đối với công tác kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, không nêu và phân tích cụ thể về kết quả kiểm tra, không nêu nội dung kết luận và các kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được kiểm tra, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền. Tại báo cáo lần này, Bộ Tài chính đã có đánh giá và kết luận cụ thể hơn về kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công dự án. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Bộ để rà soát, kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu, khắc phục các tồn tại, sai sót đã được chỉ ra. Bộ cũng kiến nghị, nếu cần thiết thì UBND tỉnh lựa chọn đơn vị tư vấn khác có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá lại.

Cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng TPBank Đỗ Anh Tú bị khởi tố

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Đỗ Anh Tú, cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài ông Anh Tú, có 14 người khác cũng bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trong đó có ông Nguyễn Hồ Nam, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital. Ông Đỗ Anh Tú (SN 1962), là Phó Tiến sĩ ngành máy năng lượng tại Đại học Kỹ thuật Praha (Cộng hòa Séc), từng giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank và Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Vụ Công ty C.P. bị ‘tố’ bán heo bệnh: Công an điều tra động cơ phát tán vụ việc

Theo đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) đã thông tin về vụ "tố" bán thịt heo bệnh tại Công ty C.P. Việt Nam, ngày 30/5, sau khi có thông tin tố cáo trên mạng xã hội về hành vi sử dụng heo bệnh, gà bệnh bán ra thị trường, Cục đã kịp thời chỉ đạo, phối hợp Công an tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng (nay là TP Cần Thơ) kiểm tra. Đại diện C05 cho biết thêm, căn cứ vào báo cáo của Công an tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, đến nay, cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ xác định nội dung vụ việc. Sau đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng quyết định không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, Cục C05 đang tiếp tục theo dõi, kết hợp chặt chẽ với công an các địa phương trong việc làm rõ động cơ, mục đích việc phát tán hình ảnh trên mạng xã hội. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Trước đó, liên quan đến vụ bị tố bán thịt heo bệnh, sáng 2/7, C.P. Việt Nam phát đi thông cáo về nội dung kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Công an tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, C.P. Việt Nam không có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Vụ Mr Pips: Vợ của Mr Hunter bị bắt khi đang chuẩn bị trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ

Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chia sẻ thông tin liên quan vụ án lừa đảo trên không gian mạng Mr Pips. Đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 44 bị can liên quan vụ án này. Trong đó, 38 bị can bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", truy nã quốc tế 4 bị can. Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Interpol, bắt giữ Ngô Thị Thêu (vợ của Lê Khắc Ngọ - tức Mr Hunter) đang trốn tại Thái Lan và đã yêu cầu dẫn độ. "Hiện nay, đối tượng đang sinh con nên chúng tôi đợi đủ thời gian sẽ dẫn độ về Việt Nam", Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết. Cũng theo chia sẻ của Giám đốc Công an TP Hà Nội, khi bắt giữ đối tượng Ngô Thị Thêu, người này đang chuẩn bị hành lý để trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ thêm Nguyễn Thị Thuỷ (SN 1982, trú tại TPHCM), đối tượng được Mr Pips - Phó Đức Nam giao cho vai trò làm kế toán của đường dây lừa đảo. Lực lượng chức năng đã thu thêm bất động sản và 7 ô tô hạng sang liên quan vụ án.

Hà Nội đề xuất ‘mở đường’ cho 155 dự án, dân sắp rộng cửa mua nhà

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình đợt 2 các khu đất dự kiến thí điểm theo Nghị quyết 171 của Quốc hội về thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất. Theo đó, nhà đầu tư được phép thỏa thuận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) để làm dự án nhà ở thương mại. Trong 155 khu đất được thành phố đề nghị thí điểm lần này, có gần 390ha đất trồng lúa. Khu đất có quy mô lớn nhất là khu chức năng đô thị Noble Vân Trì gần 13ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng, triển khai giai đoạn 2025-2030. Nhiều khu đất tại trung tâm cũng được đề xuất thí điểm. Có thể kể đến phường Tây Hồ với khu phức hợp căn hộ, dịch vụ thương mại với diện tích 6.000m2, vốn đầu tư 2.520 tỷ đồng; tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ có diện tích 3.000m2, vốn đầu tư 1.650 tỷ đồng ở phường Giảng Võ. Trước đó, vào tháng 5, Hà Nội đã duyệt 148 khu đất, quy mô hơn 840ha, được thí điểm làm dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất. Nghị quyết số 171 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4. Chính sách được thí điểm trong 5 năm. Trước đây, doanh nghiệp chỉ được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở.

Sự cố hy hữu khi quay giải đặc biệt xổ số Quảng Nam

Người dân xôn xao khi giải đặc biệt xổ số Quảng Nam ngày 1/7 xuất hiện 2 kết quả khác nhau. Ông Võ Như Đào - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Nam xác nhận, đây là sự cố ngoài ý muốn. Theo ông Đào, tại thời điểm quay số giải đặc biệt, nhân viên đứng vị trí thứ 6 quay trúng quả cầu số 2, nhưng khi lấy bảng số để đưa lên cho Hội đồng xổ số xem và phát thanh viên đọc lại lấy nhầm bảng số 5. Căn cứ vào bảng số nhân viên đưa lên, phát thanh viên đọc theo số 5, dẫn đến sự nhầm lẫn này. Sau khi phát hiện mình lấy nhầm bảng số, nhân viên vị trí thứ 6 đã đổi lại bảng số 5 thành số 2. Ông Đào cũng cho biết thêm, ngay sau buổi quay, công ty đã ban hành kết quả chính thức bằng văn bản, trong đó xác nhận dãy số trúng giải đặc biệt là 923352. Tuy nhiên, một số trang mạng đã dẫn kết quả theo lời phát thanh viên đọc lúc đầu mà không đối chiếu với thông báo chính thức của công ty.

17 ca mắc liên cầu lợn ở Huế, 1 bệnh nhân tử vong

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 30 trường hợp dương tính với liên cầu khuẩn Streptococcus Suis (khuẩn liên cầu lợn). Đáng chú ý, chỉ trong khoảng 3 tuần trở lại nay, số ca bệnh mắc liên cầu lợn nhập viện tăng đột biến với 17 ca. Tất cả 30 ca bệnh mắc liên cầu lợn đều là người dân trú trên địa bàn TP Huế. Trong số 17 ca bệnh, có trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng và đã tử vong. Đó là trường hợp anh B.V.C. (50 tuổi, trú phường Thuận Hóa, TP Huế). Theo Bệnh viện Trung ương Huế, tình hình bệnh liên cầu lợn năm nay diễn biến phức tạp, đáng lo ngại hơn hẳn mọi năm khi một số ca không rõ yếu tố dịch tễ, chưa xác định có tiếp xúc với lợn sống hoặc thực phẩm chế biến từ lợn không đảm bảo vệ sinh. “Để tránh mắc bệnh liên cầu lợn, người dân cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Người dân cần đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi kéo dài để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế khuyến cáo.

Nga vượt NATO trong cuộc đua đạn dược

Theo đài RT, trả lời phỏng vấn tờ The New York Times cuối tuần trước, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã lên tiếng cảnh báo về năng lực quân sự của Nga, lưu ý rằng quốc gia này "đang tự tái thiết với tốc độ chưa từng có trong lịch sử gần đây". Nhà lãnh đạo NATO cho biết, Nga đang sản xuất số lượng đạn trong 3 tháng bằng số lượng liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu chế tạo trong một năm. Tổng thư ký NATO đã nhắc đến đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của liên minh lên 5% GDP, trong đó 3,5% dành cho các ngân sách quân sự cốt lõi và 1,5% cho các lĩnh vực khác như phòng thủ mạng, chuẩn bị cơ sở hạ tầng dân sự. "Đúng, đó là một khoản chi khổng lồ nhưng nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ phải học tiếng Nga", ông Rutte nói. Khi được hỏi liệu tăng chi tiêu quốc phòng có nguy cơ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang với Nga không, ông Rutte trả lời: "Chúng ta phải đảm bảo có sự răn đe". Quan chức này cũng lưu ý, Nga đã đầu tư mạnh vào xe tăng, pháo binh, phòng không và đạn dược.

Tổng thống Putin bất ngờ cách chức Bộ trưởng Giao thông Nga

Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/7 đã ký sắc lệnh cách chức Bộ trưởng Giao thông Roman Starovoit, nhưng không nêu rõ lý do cho động thái này. Ông Starovoit được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông vào tháng 5/2024, sau gần 5 năm giữ chức thống đốc vùng Kursk, khu vực giáp biên giới Ukraine ở phía tây nước Nga. Trước khi làm thống đốc, ông Starovoit đã làm việc trong lĩnh vực giao thông, lãnh đạo cơ quan đường bộ liên bang của Nga Rosavtodor trong 6 năm. Nguồn tin của Vedomosti tiết lộ, Tổng thống Putin được cho là sẽ bổ nhiệm Thứ trưởng Giao thông vận tải Andrei Nikitin, cựu thống đốc vùng Novgorod, làm người kế nhiệm ông Starovoit. Theo truyền thông Ukraine nhận định, nguyên nhân ông Starovoit sau hơn 1 năm tại nhiệm là do hàng không Nga gần đây liên tục bị gián đoạn bởi các cuộc không kích của Kiev.

Ông Trump nói đang 'giúp đỡ Ukraine rất nhiều', Nga lên án NATO

Theo Kyiv Independent, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/7 đã khẳng định rằng chính quyền của ông vẫn đang "giúp đỡ Ukraine rất nhiều" trong cuộc xung đột. "Chúng tôi vẫn đang hỗ trợ Ukraine, thậm chí ở một mức độ cao", ông Trump trả lời khi các phóng viên so sánh sự hỗ trợ của Mỹ với Ukraine và Israel. Tuy vậy, tuyên bố của ông Trump dường như đã đi ngược lại với động thái gần đây của Mỹ, khi Lầu Năm Góc tạm dừng chuyển giao nhiều loại vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả tên lửa của hệ thống Patriot. Cùng ngày, truyền thông Ukraine cũng tiết lộ thêm về cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Một trong những thông tin đáng chú ý là 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng thay thế bà Oksana Markarova, Đại sứ Ukraine tại Mỹ. "Phía Ukraine đã nêu ra vấn đề này, cho rằng một sự thay đổi có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên", nguồn tin của Kyiv Independent cho biết.

Báo Anh hé lộ nhân vật gây chia rẽ nội bộ, khiến Ukraine mất thiện cảm của Mỹ

Theo Kyiv Independent, tờ The Economist ngày 6/7 đã chỉ đích danh ông Andriy Yermak là nhân vật trung tâm trong những bất ổn chính trị thời gian gần đây ở Ukraine. Tờ báo Anh nhấn mạnh, ông Yermak được mô tả là "người bạn tâm giao" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời được coi là quan chức quyền lực số 2 tại quốc gia Đông Âu này. "Dù không trực tiếp nắm giữ quyền lực, nhưng ông Yermak lại kiểm soát khoảng 85% luồng thông tin được gửi tới Tổng thống Zelensky. Một mức độ có thể tạo ra nguy cơ bất ổn chính trị và chiến lược ngoại giao lệch lạc", tờ The Economist nhận xét. Kể từ đầu tháng 6, ông Yermak đã bắt đầu thúc đẩy những nỗ lực nhằm thay thế 3 quan chức cấp cao trong chính phủ Ukraine, gồm Phó Thủ tướng Oleksii Chernyshov, Giám đốc Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Kyrylo Budanov và Thủ tướng Denys Shmyhal. Đáng chú ý nhất trong số này là cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào ông Chernyshov, Phó Thủ tướng đầu tiên của Ukraine bị điều tra tham nhũng khi còn đương chức. Dù không có bằng chứng cho thấy ông Yermak trực tiếp ra lệnh điều tra, nhưng các quan chức Ukraine tiết lộ Chánh văn phòng tổng thống đã tạo điều kiện để lực lượng an ninh tập trung vào điều tra Phó Thủ tướng, trong khi tạm gác các cuộc điều tra khác sang một bên.