Vấn đề hiện nay đang đặt ra cho các cấp chính quyền trên địa bàn là làm thế nào người dân có thêm việc làm chính đáng để giải quyết vấn đề đói nghèo cho cộng đồng. Vì vậy, Du lịch cộng đồng là một định hướng cơ bản về công ăn việc làm cho người dân đang được đặt ra nhằm giải quyết phát triển bền vững cho cộng đồng dân tộc miền Tây ở Nghệ An.

Trước nhu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa ngày càng cao của khách du lịch, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại một số huyện vùng cao của Nghệ An đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch (nhất là khách nước ngoài). Du khách được cùng sinh hoạt và thưởng thức văn hóa ẩm thực cũng như bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của miền Tây xứ Nghệ.

{keywords}
Ấn tượng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở Miền Tây Nghệ An.

Hình thức du lịch homestay đã mang lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, hình thức du lịch homestay còn góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số của Nghệ An nâng cao dân trí, tiếp cận được với các kiến thức khoa học kỹ thuật để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bản Hoa Tiến của xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu là một bản Thái cổ, nơi sinh sống bao đời của đồng bào dân tộc Thái. Ngoài phong cảnh nên thơ, văn hóa ẩm thực đặc trưng đồng bào dân tộc Thái ở bản Hoa Tiến còn có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bản Hoa Tiến đã được tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề.

Vì thế, homestay là mô hình phát triển kinh tế phù hợp của bản Hoa Tiến. Và thổ cẩm là sản phẩm du lịch lợi thế, là cơ hội để quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, đồng thời cũng đem lại thu nhập cho người dân ở Hoa Tiến.

Bà con có việc làm thường xuyên

Xác định rõ các lợi thế về phát triển du lịch, trong thời gian qua Con Cuông đã tập trung đầu tư mở và khai thác các loại hình du lịch như: khám phá thác Kèm, du thuyền trên sông Giăng, thám hiểm đỉnh núi Pù Mát...Đặc biệt, với lợi thế về kho tàng văn hóa - lịch sử còn l¬ưu giữ trong các bản làng của đồng bào Thái, Con Cuông đã tập trung đầu tư bảo tồn, phát huy các lễ hội, dân ca, dân nhạc, dân vũ…để phát triển du lịch cộng đồng.

Với lợi thế nằm trên tuyến quốc lộ 7A nối với tỉnh Xiêng Khoảng Lào, cách đường Hồ Chí Minh chỉ hơn 30km, Con Cuông được các doanh nghiệp lữ hành lựa chọn là một trong những điểm đến của các tua, tuyến du lịch trọng điểm của địa phương như: Thác khe Kèm, sông Giăng, Thẳm Hoi (Hang Ốc), rừng Pù Mát, tham gia tour du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Pơ Mu...

Bà con dân tộc sống ở Con Cuông còn khấm khá nhờ đầu tư vào các dịch vụ trải nghiệm nhà sàn, trang phục truyền thống nguyên sơ, chất phác vốn có, thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào Thái nơi đây “Cơm lam kẻ Quạ, cá Mát sông Giăng”.

Hiện tại trên địa bàn huyện Con Cuông có 4 điểm làm du lịch cộng đồng đang đi vào hoạt động, đó là: bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; bản Nưa, bản Pha xã Yên Khê và bản Xiềng, xã Môn Sơn. Các điểm du lịch cộng đồng đi vào hoạt động đã góp phần giúp người dân bản địa phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Qua nghiên cứu từ thực tế trên địa bàn cho thấy hoạt động du lịch cộng đồng ở khu vực Miền Tây Nghệ An đã mang lại ít nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho địa phương. Trước hết hoạt động du lịch cộng đồng tại đây đã mang lại cho người dân những nguồn thu nhập từ việc cho thuê cơ sở lưu trú, phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán đồ lưu niệm… Những hoạt động từ thiện của khách du lịch khi tới đây đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho người dân nhất là các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn.

Quốc Tiến