Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu thanh long đạt gần 155 triệu USD trong quý 1 năm 2025, giành vị trí đứng đầu mặt hàng rau quả. Thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (106 triệu USD).

Đây là loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ họ xương rồng. Với lớp vỏ màu hồng rực rỡ và phần ruột trắng hoặc đỏ điểm hạt đen, thanh long không chỉ bắt mắt mà còn chứa nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại thực phẩm khác, thanh long có cả mặt lợi và mặt hại.

1. Giàu dưỡng chất, ít calo

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thanh long ít calo nhưng chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu. Trong 100g thanh long có: 50-60 calo, 3g chất xơ (khoảng 11% nhu cầu khuyến nghị mỗi ngày), vitamin C (3-6%), sắt (4%), magie (10%), các chất chống oxy hóa như betalain, hydroxycinnamate, flavonoid. 

thanh long.jpg
Thanh long là loại quả có vị ngọt mát, nhiều dinh dưỡng, ít calo. Ảnh: Pexels

2. Chứa nhiều chất chống oxy hóa

Thanh long chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do. Theo Viện Y khoa Quốc gia Mỹ, những chất này có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư và bệnh thoái hóa thần kinh.

3. Hỗ trợ tiêu hóa

Nhờ vào hàm lượng chất xơ, thanh long góp phần cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách hỗ trợ nhu động ruột và nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Một số nghiên cứu cho thấy prebiotic trong thanh long giúp cải thiện đa dạng hệ vi sinh, có vai trò trong hệ miễn dịch và sức khỏe tâm thần.

4. Tăng cường hệ miễn dịch

Vitamin C cùng các chất chống oxy hóa trong thanh long hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách bảo vệ bạch cầu khỏi stress oxy hóa, đồng thời giúp nhanh lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng.

5. Có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Theo tạp chí Dược liệu học và Hóa thực vật, hạt thanh long chứa nhiều axit béo omega-3 và omega-9, giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL). Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất thanh long có thể giảm huyết áp và cải thiện mỡ máu, tuy nhiên vẫn cần thêm nghiên cứu trên người.

Rủi ro

Mặc dù có nhiều lợi ích, thanh long cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định:

 - Dị ứng: Dù hiếm gặp, một số người có thể bị dị ứng với quả thanh long, với các biểu hiện như sưng lưỡi hoặc môi, ngứa ngáy, phát ban, phản ứng phản vệ (hiếm gặp nhưng nghiêm trọng).

- Tác dụng phụ khi ăn quá nhiều: Tiêu chảy hoặc đầy hơi do lượng chất xơ cao, hiệu ứng nhuận tràng nhẹ ở người nhạy cảm. Người mắc hội chứng ruột kích thích cần lưu ý khi tiêu thụ nhiều thanh long. 

- Tương tác với thuốc: Thanh long có thể tương tác với một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị huyết áp hoặc đường huyết. Người mắc bệnh tiểu đường hoặc đang dùng thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn nhiều thanh long.

3 không khi ăn quả mận
Trái mận hậu thơm ngon nhưng ăn nhiều có thể gây hại cho đường tiêu hóa, đặc biệt với một số nhóm người.
3 không khi ăn thịt chân giò
Chân giò lợn được nhiều người ưa thích vì thịt chắc, bì giòn, mỡ không quá ngấy. Loại thịt này chứa nhiều collagen bổ dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn lượng chất béo, purin gây hại.