601 Thư viện công cộng và điểm Bưu điện văn hóa xã tại 12 tỉnh đồng loạt tổ chức chuỗi sự kiện Internet dành cho thanh niên nông thôn từ tháng 8/2015.
Các địa phương tổ chức sự kiện bao gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” (Dự án BMGF-VN) giai đoạn II, bước 3, nhằm khuyến khích thanh niên nông thôn tiếp cận với máy tính và sử dụng tiện ích của Internet.
![]() |
Tại sự kiện, với những thanh niên chưa có kinh nghiệm sử dụng máy tính và khai thác Internet, cán bộ tại điểm tập trung hướng dẫn kỹ năng sử dụng cơ bản, cách thức truy nhập Internet cũng như giới thiệu những địa chỉ truy nhập thông tin giáo dục, văn hóa, giải trí, khoa học, lao động việc làm, trang kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp, thông tin thị trường nông sản và cả những tấm gương điển hình thành công để thanh niên tham khảo, học hỏi kinhn nghiệm…
Đối với những trường hợp đã có kỹ năng tin học, các cán bộ cũng định hướng thanh niên tham gia các diễn đàn học tập, giải trí, làm kinh tế hữu ích để tìm kiếm cơ hội cho bản thân.
Nghiên cứu thực tế triển khai Dự án BMGF-VN cho thấy, người sử dụng máy tính và Internet, trong đó chủ yếu là thanh niên-học sinh, quan tâm nhiều hơn đến các nội dung giải trí, giáo dục và công nghệ: 90,9% người sử dụng quan tâm đến văn hóa, giải trí; 63% quan tâm đến ứng dụng trao đổi trực tuyến và 56,4% quan tâm đến nội dung giáo dục. Mới có 30% người sử dụng quan tâm đến các nội dung còn lại như y tế, chính phủ điện tử và phát triển kinh tế.
Để điều chỉnh cơ cấu khai thác thông tin của người dân, nhất là thanh niên nông thôn theo hướng cân đối, phù hợp với mục tiêu góp phần nâng cao đời sống cả tinh thần và vật chất cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo, hoạt động hướng dẫn khai thác dung thông tin cũng cần được điều chỉnh, tăng cường hơn nữa tính định hướng đối với người sử dụng.
Hoạt động truyền thông vận động tại các địa phương cũng cần tăng cường truyền tải những thông tin mang tính gợi mở phương pháp phát triển kinh tế gia đình một cách thường xuyên, phù hợp với nhiều hình thức để người dân biết và học tập kinh nghiệm.
Con số 70,5% cán bộ thư viện công cộng và 62% cán bộ điểm Bưu điện văn hóa xã đánh giá “hoạt động truyền thông vận động có hiệu quả” chứng tỏ Dự án cần có nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả của hoạt động truyền thông vận động, khuyến khích người dân nông thôn nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng tiếp cận và phát huy vai trò của máy tính và Internet, góp phần thay đổi cuộc sống vật chất, tinh thần của bản thân và cộng đồng.
Minh Tuấn