bao dien tu.jpg
Khi xâm nhập được vào hệ thống, tin tặc có thể đánh cắp dữ liệu, thay đổi nội dung bài viết hoặc xóa tin bài, đưa những nội dung xấu độc lên tờ báo. Ảnh minh họa.

Thiếu tá Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia thuộc A05 (Bộ Công an), cho biết tháng 4/2025, A05 đã phát hiện ra 3 cơ quan báo chí lớn của Việt Nam bị tấn công mạng. Tin tặc đã tấn công vào hệ thống dữ liệu và đánh cắp những tài liệu của các cơ quan báo chí này.

“Khi tấn công được vào hệ thống, tin tặc có thể đánh cắp dữ liệu, thay đổi nội dung bài viết hoặc xóa tin bài, đưa những nội dung xấu độc lên tờ báo… Nếu điều này bị tin tặc thực hiện sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn”, thiếu tá Trần Trung Hiếu nói. 

Khi tấn công được vào hệ thống, tin tặc có thể đánh cắp dữ liệu, thay đổi nội dung bài viết hoặc xóa tin bài, đưa những nội dung xấu độc lên trên tờ báo.  Thiếu tá Trần Trung Hiếu

Đại diện A05 cũng khuyến cáo các cơ quan báo chí nên quan tâm đến vấn đề về bảo vệ an ninh mạng trước các cuộc tấn công của tin tặc.

Chia sẻ về vấn đề nguy cơ mất an toàn thông tin trong hoạt động tác nghiệp báo chí, ông Nguyễn Văn Hân, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Trung tâm An toàn thông tin của VNPT, cho biết do đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều máy tính, thẻ nhớ, hệ thống mạng, hệ thống lưu trữ dữ liệu… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn thông tin.

Trong khi đó, các phần mềm hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ video, ảnh, AI thường không được trang bị đầy đủ, phóng viên dùng các bản miễn phí hoặc crack trên các thiết bị cá nhân, rất dễ lây nhiễm các mã độc trên các máy tính, smartphone, nguy cơ cao bị chiếm quyền kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Hân cho biết, một số báo đang dùng chung nền tảng do một số doanh nghiệp công nghệ cung cấp nên thường có cùng các lỗ hổng bảo mật. Vì vậy, khi bị tin tặc tấn công có thể lan truyền nhiều tờ báo.

Theo số liệu từ VNPT thu thập được tại Việt Nam, số lượng lỗ hổng mới được phát hiện trong năm 2024 tăng 64%. Từ những lỗ hổng này, hacker dễ dàng có thể tấn công vào các trang báo, cổng thông tin.

Một vài con số đáng quan ngại nữa đó là số lượng tên miền giả mạo tăng 1,6 lần, số lượng các cuộc tấn công mạng tăng 60%, số lượng tài khoản lộ lọt tăng 26%...

Theo số liệu từ VNPT, ước thiệt hại toàn cầu do tội phạm mạng gây ra năm 2024 là 9,4 nghìn tỷ USD, năm 2025 là 10,5 nghìn USD. Các cơ quan báo chí chứa đựng nguồn thông tin quan trọng của mỗi quốc gia.

Nếu những cơ quan này bị tấn công, thiệt hại không chỉ đơn thuần về kinh tế, mà còn gây mất uy tín, hoặc phát đi những thông tin sai lệch gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, chính trị và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, đại đa số các cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng, thực hiện loại hình điện tử.

Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Mục đích tấn công có chủ đích của tin tặc vào các cơ quan báo chí là để đánh cắp dữ liệu, cài đặt mã độc tống tiền, tấn công vào chuỗi cung ứng (đối tác bên thứ ba của các cơ quan báo chí), đẩy thông tin sai lệch và lừa đảo (phishing) có mục tiêu.

Để đảm bảo an toàn thông tin, cơ quan báo chí cần đào tạo nhận thức về an toàn thông tin cho các nhà báo và thậm chí ngay cả lãnh đạo tòa soạn. 

Nếu như trước đây hacker nhắm đến những người nổi tiếng, các chính trị gia, các công ty lớn, thì giờ đây các nhà báo, cơ quan báo chí là những đích ngắm mới của tội phạm mạng. Hậu quả từ việc bị tấn công đối với các cơ quan báo chí là rất lớn.

Các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên có trách nhiệm và sứ mệnh lớn trong việc bảo vệ cơ quan tổ chức của mình khỏi nguy cơ tấn công mạng, đồng thời nâng cao nhận thức cho xã hội về an toàn thông tin.