Ám ảnh... núi đè
Tìm về Núi Đầu Voi làng Tiên An, huyện Tiên Phước ngay sau bão số 4 vừa tan và
nước các trên các sông cũng vừa rút.
“Mấy bữa trước trời mưa to cả
làng phải chạy sang làng bên để trú ẩn vì sợ núi đè. Chừ bão tan, hết mưa mới
dám mò về…”, ông Nguyễn Văn Đông trú thôn 2, xã Tiên An kể.
Đến hẹn lại lên, UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo di chuyển 170 hộ dân ra khỏi khu
vực nguy hiểm mỗi khi mưa bão đổ về.
Chỉ tay về phía vách núi vừa bị
sạt lở, chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết, trong lúc gia đình đang ngủ say thì nghe
tiếng đất, đá đổ ầm ầm vào vách tường nhà. Chị kéo cả nhà bỏ chạy. Đến bây giờ
nỗi ám ảnh núi đè thì không thể nào quên.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hạnh đang chỉ tay về vách núi vừa sạt ngay ngôi nhà của chị. |
Hiện tượng nứt núi Đầu Voi xảy ra từ mùa mưa năm 2002. Tự nhiên mặt đất rung chuyển, bà con bỏ chạy tán loạn, nhưng sau đó trở lại bình thường, nên cũng chẳng ai để ý, đến khi lên núi lấy củi người dân mới phát hiện núi bị nứt toang hoác.
Theo chân cậu bé Nguyễn Văn Tân lên đỉnh núi Đầu Voi. Hiện ra trước mắt là hàng chục vết nứt rải rác từ sườn chạy lên đỉnh núi và hàng trăm điểm sụt núi cục bộ.
Chỉ tay về tảng đá lớn bị lún sâu dưới lòng đất,
Tân kể: “Lúc trước tảng đá này nổi trên mặt đất và cao khoảng 3 m. Nhưng do sụt
lún, bây giờ tảng đá đã lún sâu xuống lòng đất chỉ còn nổi lên chưa đầy 0,5 cm".
Cạnh tảng đá là một vết nứt rộng 0,8 cm, dài khoảng 300m, còn độ sâu thì không
đo được. “Do mưa lớn mấy ngày qua nên đất đã bồi lấp, mấy năm trước vết nứt rộng
0,8m”, Tâm cho biết.
Và hàng chục ha ruộng của người dân ở đây cũng bị
đất đá từ núi Đầu Voi bồi lấp mỗi năm khi mùa lũ lụt về.
Bao giờ người dân an cư hết lo núi đè?
Đã gần 10 năm trôi qua kể từ khi vết nứt ở núi Đầu Voi xuất hiện, người dân ở
vùng đất này sống trong tâm trạng âu lo khi mùa mưa bão về.
“Cách đây 4 năm, UBND huyện Tiên Phước đầu tư xây
dựng khu dân cư để di chuyển bà con đến nơi ở mới. Nhưng mãi đến nay vẫn chưa
xong...” - chị Nguyễn Thị Lan tâm sự.
Còn ông Nguyễn Thanh Long, Bí thư chi bộ thôn 1, xã Tiên An cho biết: Trong số
hơn 170 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2, có 71 hộ dân với trên 300 nhân khẩu nằm trong
nguy cơ sạt núi bồi lấp cần phải được di dời khẩn cấp, nếu không thì chẳng biết
điều gì sẽ xảy ra trong mùa mưa lũ năm nay.
Và ngay trong cơn bão số 4 vừa qua, tình trạng sạt lở núi tiếp tục xảy ra ở ngọn núi Đầu Voi.
![]() |
Tảng đá ngày một lún sâu trong lòng đất. |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã chỉ đạo di chuyển toàn bộ số hộ dân sống xung quanh chân núi Đầu Voi đến nơi ở mới an toàn.
Nhưng cả hai khu tái định cư Nà Gang-Hố Ốc và Hố Rêu đầu tư xây dựng hơn 3 năm nay vẫn chưa xong.
"Đến cuối tháng 9/2011, khu tái định cư Hố Rêu
mới đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và chưa bàn giao được cho bất cứ hộ
dân nào" - ông Phan Hồng Phát, cán bộ Văn phòng Ủy ban Nhân dân xã Tiên An cho
biết.
Khu tái định cư Nà Gang-Hố Ốc đã được bàn giao cho các hộ dân, nhưng hiện có hơn
20 hộ dân không chịu vào ở, vẫn tiếp tục bám trụ tại nơi cũ để sản xuất. Nguyên
nhân là nơi ở mới không có đất sản xuất nên họ bám trụ để mưu sinh, bất chấp
hiểm nguy treo trên đầu. Đến nay việc di chuyển vẫn còn nằm trên giấy.
Hơn 170 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu vẫn còn phải tiếp tục gồng gánh như chạy
giặc mỗi khi có báo động mưa lớn, lũ về. Không biết đến bao giờ người dân ở đây
mới hết lo cảnh núi đè?
- Vũ Trung