Bình Thuận hiện có 35 dân tộc anh em sinh sống; trong đó có 34 đồng bào dân tộc thiểu số với 23.177 hộ/ 101.733 khẩu, chiếm trên 8% dân số của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 09 xã khu vực III, 27 xã khu vực II, 44 xã, thị trấn thuộc khu vực I; 05 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Toàn tỉnh hiện có 9 xã và 20 thôn đặc biệt khó khăn, tổng dân số 8.738 hộ/35.996 khẩu dân tộc thiểu số toàn vùng thụ hưởng Chương trình 135. Trong đó, hộ nghèo vùng thụ hưởng Chương trình 135 đầu năm 2019 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020) có 1.716 hộ/6.509 khẩu, hộ cận nghèo 2.120 hộ/8.750 khẩu.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình 135. Năm ngoái, tổng kinh phí được giao thực hiện hợp phần này là 13.635 triệu đồng, phân bổ triển khai thực hiện 56 công trình (trong đó, 28 công trình thanh toán nợ và 28 công trình khởi công mới).
![]() |
Thu hoạch bắp lai của đồng bào từ Chương trình 135. |
Đến nay, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 14 công trình mới khởi công năm ngoái (bao gồm giao thông 10 công trình, thủy lợi 01 công trình, trường học 01 công trình, nhà sinh hoạt cộng đồng 02 công trình), hoàn thành việc duy tu bảo dưỡng 6 công trình. Các công trình được đầu tư đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư cũng được quan tâm hơn, có sự phân công, phân cấp cụ thể cho từng cấp, từng ngành nhằm phát huy hiệu quả sử dụng công trình sau đầu tư đảm bảo lâu dài.
Ngoài ra, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cũng là hợp phần quan trọng trong Chương trình 135. Để triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, Ủy ban nhân dân các huyện đã chủ động chỉ đạo các xã, thôn tổ chức triển khai họp dân, thông báo nội dung, đối tượng thụ hưởng, mức vốn hỗ trợ cho xã, thôn của Chương trình 135, lấy ý kiến về nội dung hỗ trợ phù hợp với tình hình của địa phương và quy hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nhu cầu của người dân, các địa phương lựa chọn nội dung phù hợp, thiết thực gắn với thị trường, có tính bền vững về thu nhập và an ninh lương thực để thực hiện xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trong năm ngoái, các địa phương đã triển khai hỗ trợ giống bò sinh sản và bò vỗ béo 162 con/162 hộ, hỗ trợ làm chuồng trại 25 chuồng/ 25 hộ nghèo và cận nghèo các thôn, xã đặc biệt khó khăn; đồng thời hỗ trợ 02 mô hình chăn nuôi trâu cái sinh sản với 30 con/ 30 hộ nghèo và cận nghèo thôn 7 xã Đức Tín và thôn 9 xã Mê Pu - huyện Đức Linh (mỗi mô hình là 15 con/ 15 hộ), hỗ trợ 01 mô hình trồng cây điều cao sản với diện tích 26,5 ha/ 30 hộ nghèo và cận nghèo xã Mỹ Thạnh - huyện Hàm Thuận Nam.
Song song đó, Chương trình 135 còn đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực, trình độ cán bộ cơ sở. Qua đó đáp ứng mục tiêu đào tạo cho cán bộ thôn, xã nâng cao năng lực lãnh đạo và điều hành, nâng cao kiến thức quản lý chuyên môn nghiệp vụ để vận dụng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình địa phương, thực hiện công tác đấu thầu, tham gia có hiệu quả vào việc giám sát quá trình thực hiện chương trình trên địa bàn thôn, xã.
Có thể thấy, quá trình triển khai Chương trình 135, tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến đáng kể.
Thông qua việc lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi… tại các xã nghèo tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần quan trọng, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh được tăng cường, niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tiếp tục được củng cố.
Để triển khai hiệu quả Chương trình 135 trong năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nguồn vốn được giao đảm bảo nguyên tắc tập trung, không dàn trải, lưu ý ưu tiên cho địa bàn đặc biệt khó khăn, đảm bảo các hoạt động của dự án đều được hỗ trợ, đầu tư bao gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.
Khánh Hòa
Ảnh: Văn Giáp