Bãi Tư Chính nằm ở phía Nam của Biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 296km, cách huyện đảo Côn Đảo khoảng 350km. Toàn bộ Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam (tương đương 370,4km), tính từ đường cơ sở.

Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam thiết lập vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Việt Nam đồng thời xác định thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

Dựa trên các quy định này thì bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982.

Để ngăn chặn căng thẳng leo thang, Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc rút các tàu có hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia vào nỗ lực duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông, vốn là lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.

haicanh
Dữ liệu từ trang Marine Traffic cho thấy, tàu hải cảnh 5901 của Trung Quốc ngày 20/2 bật hệ thống nhận dạng tự động (AIS) tại vị trí gần bãi Tư Chính của Việt Nam.

Tại phiên họp báo thường kỳ cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra bình luận xung quanh việc Trung Quốc điều tàu đến bãi Tư Chính. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:

Lập trường của Việt Nam đối với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và được khẳng định nhiều lần. Bãi Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và phù hợp với Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 của Liên hiệp quốc.

“Việt Nam kiên quyết phản đối mọi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán được xác lập với luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982. Việt Nam đang và sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp, bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Trước đó, dữ liệu từ trang Marine Traffic cho thấy, tàu hải cảnh 5901 của Trung Quốc ngày 20/2 bật hệ thống nhận dạng tự động (AIS) tại vị trí gần bãi Tư Chính của Việt Nam và hiện diện tại khu vực trong nhiều ngày.

Theo các nhà nghiên cứu, trước sự can thiệp phi lý của Trung Quốc vào hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí của các nước khác ở Biển Đông cùng với những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại đang đe dọa đến an ninh năng lượng trong khu vực và nền hòa bình, ổn định tự do của thị trường năng lượng Ấn độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, càng cần phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy các cuộc đàm phán để sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.

Nhóm PV