
Theo Financial Times, bà Kristi Noem, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đã gửi thư cho ban lãnh đạo Harvard vào thứ Năm, thông báo rằng giấy chứng nhận chương trình sinh viên và trao đổi quốc tế (SEVP) của trường chính thức bị thu hồi với hiệu lực ngay lập tức.
“Việc các trường đại học được phép tuyển sinh viên nước ngoài và thu học phí cao để làm giàu cho các quỹ tài trợ hàng tỷ USD của họ là một đặc quyền, không phải quyền đương nhiên. Quyết định này là lời cảnh tỉnh cho tất cả các trường đại học trên toàn quốc”, bà Noem viết trên mạng xã hội X, kèm theo hình ảnh bức thư gửi Harvard.

Lệnh cấm này không chỉ ngăn Harvard tuyển sinh sinh viên quốc tế trong năm học tới, mà còn yêu cầu gần 6.800 sinh viên quốc tế đang theo học - chiếm hơn 27% tổng số sinh viên năm nay - phải chuyển sang trường khác.
Phản ứng trước quyết định trên, Harvard cho rằng hành động của chính quyền là “phi pháp”, và khẳng định sẽ nỗ lực bảo vệ quyền tuyển sinh và tiếp nhận sinh viên quốc tế.
“Chúng tôi đang làm việc khẩn trương để hỗ trợ cộng đồng trường. Động thái trả đũa này gây tổn hại nghiêm trọng đến Harvard và cả đất nước, làm suy yếu sứ mệnh học thuật và nghiên cứu của chúng tôi”, thông cáo từ trường viết.
Leo thang căng thẳng với các trường đại học danh giá
Đây là bước đi mới nhất trong chuỗi hành động cứng rắn của chính quyền Trump nhắm vào các trường đại học danh tiếng như Harvard.
Trong thời gian qua, nhiều khoản tài trợ liên bang lên đến hàng tỷ USD đã bị cắt giảm, trong đó Harvard cũng khởi kiện chính quyền vì chặn hơn 2 tỷ USD tiền tài trợ.
Bà Noem cũng cáo buộc Harvard tạo ra môi trường “thù địch với sinh viên Do Thái”, đặc biệt sau các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine nổ ra tại trường, liên quan đến xung đột giữa Hamas và Israel.
Không dừng lại ở đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết sẽ tìm kiếm tất cả hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm, nguy hiểm hay bạo lực của sinh viên quốc tế, kể cả các trường hợp bị cảnh cáo hoặc kỷ luật.
Lệnh cấm đối với Harvard đã khiến hơn 1,1 triệu sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ, đặc biệt là từ Ấn Độ và Trung Quốc, cảm thấy hoang mang. Học phí từ sinh viên quốc tế vốn là một nguồn thu quan trọng giúp nhiều trường đại học duy trì chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Tổ chức NAFSA - đại diện giới giáo dục quốc tế - đã phản đối mạnh mẽ quyết định này.
“Hành động của bà Noem là chưa từng có tiền lệ, vi phạm nghiêm trọng chính sách hiện hành. Sinh viên quốc tế không phải là công cụ mặc cả. Họ là những học giả, nhà nghiên cứu và là một phần quan trọng trong cộng đồng học thuật và xã hội Mỹ”, bà Fanta Aw, Giám đốc điều hành của NAFSA, nhấn mạnh.
Tổ chức bảo vệ tự do học thuật FIRE cũng gọi quyết định này là “phi pháp và mang tính trả đũa”.
“Không có gì phi Mỹ hơn việc một quan chức yêu cầu trường đại học tư phải chứng minh lòng trung thành với chính phủ nếu không muốn bị trừng phạt”, ông Will Creeley, giám đốc pháp lý của FIRE, phát biểu.
Nỗi hoang mang bao trùm cộng đồng sinh viên quốc tế
Vào tháng trước, chính quyền Trump đã yêu cầu Harvard phải nộp toàn bộ hồ sơ sinh viên quốc tế nếu không muốn mất quyền tuyển sinh. Harvard khi đó cho biết sẽ tuân thủ pháp luật, và mong chính phủ cũng làm điều tương tự.
Sinh viên quốc tế đóng vai trò quan trọng trong doanh thu cũng như sự đa dạng học thuật của các trường đại học.
“Việc này (lệnh cấm Harvard tuyển sinh viên quốc tế) sẽ hủy hoại hoàn toàn Harvard như chúng ta từng biết. Harvard tuy nằm ở Mỹ, nhưng sinh viên và giảng viên của trường đến từ khắp nơi trên thế giới - đó là cốt lõi trong sứ mệnh và nhiệm vụ của trường. Nếu mất đi điều đó, Harvard cũng không còn là Harvard nữa", giáo sư Kirsten Weld, chuyên gia về lịch sử Mỹ Latinh và là Chủ tịch chi hội Harvard của Hiệp hội Giảng viên Đại học Mỹ (AAUP), nhận định.

Nỗi hoang mang lan rộng trong cộng đồng sinh viên quốc tế, nhiều người liên tục đăng câu hỏi, kiểm tra email và tìm kiếm giải pháp.
Sarah Davis, một sinh viên năm hai tại Trường Kennedy đến từ Australia, dự kiến sẽ tốt nghiệp vào tuần tới, cho biết cô không tự tin rằng mình sẽ nhận được bằng thạc sĩ ngành quản lý công nếu visa sinh viên của cô bị xem là không còn hiệu lực.
Ngay cả khi nhận được bằng, Davis lo cô cũng khó ở lại Mỹ làm việc dù đã được nhận. “Thật thất vọng khi thứ bạn đã đổ bao nỗ lực vào lại bị tước đi trong chớp mắt và không biết sẽ đi đâu về đâu” Davis nói với The New York Times.
Alfred Williamson, 20 tuổi, sinh viên đến từ xứ Wales, vừa hoàn thành năm nhất, cho biết anh và nhiều bạn bè quốc tế đã bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển sang học tại các trường khác.
“Tôi vừa nhắn tin cho một người bạn ở Anh, hỏi về việc liệu có thể chuyển sang Oxford hay Cambridge. Rất nghiêm túc. Tất cả đều hoảng loạn. Không ai biết phải làm gì”, Williamson nói.
Theo dữ liệu của trường đại học, các quốc gia có nhiều sinh viên nhất đến Harvard bao gồm Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Hàn Quốc.
Lệnh trừng phạt mới cũng ảnh hưởng tới tương lai của một số chương trình học tại Harvard. Jose Ignacio Llodra, sinh viên đến từ Chile chuẩn bị tốt nghiệp tuần tới từ Trường Kennedy, ước tính rằng 90% sinh viên trong chương trình cao học của anh là người nước ngoài.
“Chương trình này vốn được thiết kế để giảng dạy về cách phát triển quốc tế - nếu không có sinh viên quốc tế, nó không còn ý nghĩa gì cả. Nhiều người trong chúng tôi đã đến Mỹ để học vì hệ thống đại học ở đây là tốt nhất thế giới, và chính sách này có thể hủy hoại điều đó”, Llodra nói.
Anh cho biết mình may mắn vì visa sinh viên được bảo trợ bởi Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nơi anh cũng sắp nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Caleb N. Thompson, 20 tuổi, sinh viên người Mỹ, là một trong hai chủ tịch của Hội sinh viên Harvard, cho rằng các yêu cầu của chính quyền Trump là “một cuộc tấn công trắng trợn và không thể chấp nhận đối với cộng đồng sinh viên của chúng tôi”.
“Tất cả các lớp học, các câu lạc bộ của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Đời sống sinh viên sẽ thay đổi hoàn toàn nếu thiếu vắng sinh viên quốc tế”, Thompson nói.
Một số sinh viên vẫn tin rằng trường sẽ đấu tranh để họ được ở lại. Nhưng nhiều người khác cảm thấy bất lực khi không còn được đảm bảo những điều căn bản nhất trong cuộc sống - nơi mình sẽ sống, học tập và làm việc.
“Chúng tôi bị sử dụng như những con tốt trong một ván cờ mà chúng tôi không có quyền kiểm soát”, sinh viên Williamson bày tỏ.
