
Thanh tra Bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra về công tác tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo ở một số trường đại học và phát hiện nhiều sai phạm.
Ở Trường ĐH Võ Trường Toản, chương trình đào tạo ngành Y khoa và ngành Dược trình độ ĐH bố trí học phần pháp luật tại khối kiến thức cơ sở ngành là chưa đúng cấu trúc. Các ngành Thương mại điện tử, Kinh doanh quốc tế, Quản lý nhà nước trình độ ĐH của trường không bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu để đào tạo theo quy định.
Ngày 10/8/2024 (trước thời điểm thanh tra), nhà trường đã chấm dứt tuyển sinh đào tạo 3 ngành trên. Ngày 15/8/2024, trường đã thông báo về phương án đào tạo khi chấm dứt tuyển sinh 3 ngành này. Có 10 sinh viên các khóa 15 và 16 bị ảnh hưởng, nhà trường cho phép 3 sinh viên thôi học, 7 sinh viên chuyển sang các ngành khác.

Trường ĐH Kiến trúc TPHCM cũng vi phạm quy định khi chỉ tiêu liên thông vừa làm vừa học trình độ đại học năm 2022, 2023 đối với ngành Kỹ thuật xây dựng được xác định là 70, trong khi chỉ tiêu theo năng lực đào tạo chỉ 28,5.
Đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 của trường cũng thiếu thông tin về các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, quy định về chính sách ưu tiên "theo quy định của Bộ GD-ĐT" trong đề án tuyển sinh năm 2023 của trường chưa rõ ràng, chưa cụ thể hóa.
Trường xây dựng đề án tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu năm 2022, 2023 nhưng chưa công bố trên trang thông tin điện tử, đồng thời chưa gửi về Bộ Xây dựng và Bộ GD-ĐT để báo cáo ít nhất 30 ngày trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM sử dụng kết quả kiểm tra tiếng Anh do trường tổ chức để tuyển 17 sinh viên (năm 2022) và 13 sinh viên (năm 2023) là không đúng quy định "đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương".
Ngoài ra, thông báo tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2022 của trường chưa nêu rõ chỉ tiêu tuyển sinh theo chương trình đào tạo, hình thức đào tạo theo quy định và chưa cụ thể thông tin về mức học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình từng năm học, cả khóa học…
Tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM, quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 của trường chưa bám sát để cụ thể hóa các nội dung chủ yếu trong Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT, còn chậm sửa đổi, cập nhật.
Trường chưa quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của giảng viên, các đơn vị chuyên môn và sinh viên trong quá trình học tập, thực hành, thực tập, làm khóa luận...; chưa quy định cụ thể về quy trình, thủ tục xét và công nhận tốt nghiệp, thời gian và số lần xét tốt nghiệp trong năm.
Đề án tuyển sinh năm 2022 của trường cũng thiếu thông tin về chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, thiếu các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
Trường ĐH Y Dược Hải Phòng cũng bị phát hiện nhiều sai phạm. Chẳng hạn, năm 2023, trường tuyển vượt chỉ tiêu nhiều ngành như: liên thông chính quy trình độ đại học ngành Dược, liên thông vừa làm vừa học ngành Điều dưỡng, trình độ ĐH chính quy lĩnh vực sức khỏe...
Trong đào tạo, nội dung môn Pháp luật của chương trình đào tạo Cử nhân Điều dưỡng, Bác sĩ Y học Dự phòng, Dược sĩ, Xét nghiệm y học, Bác sĩ Răng Hàm Mặt được trường lồng ghép vào chương trình học các môn giáo dục đại cương là không đúng quy định.
Theo thanh tra Bộ GD-ĐT, sai phạm của các trường đại học thuộc về trách nhiệm Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Hiệu phó và những bộ phận liên quan...


