sapo xoa nha tam.png
tit 1 xoa nha tam.png

Giữa nhịp sống đầy hối hả, đâu đó vẫn còn những mái nhà xiêu vẹo, những vách tường mục nát, những phận người nhọc nhằn đối diện bao thiếu thốn, khó khăn. 

Thống kê tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thời điểm tháng 8/2024 cho thấy, cả nước còn khoảng 315.000 hộ gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không đảm bảo an toàn. 

Với tinh thần không để ai bị “bỏ lại phía sau”, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đã nhanh chóng được lan tỏa khắp dải đất hình chữ S.

Mỗi viên gạch, mỗi tấm tôn… đều mang theo lòng nhân ái, sự sẻ chia cộng đồng, nhằm đem lại nụ cười hạnh phúc cho những mảnh đời kém may mắn.

Bà Trần Thị Hợp ở xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, bao năm một mình thui thủi trong căn nhà dột nát, không có điều kiện sửa chữa. Được nhà nước hỗ trợ 90 triệu đồng làm nhà kiên cố với diện tích 18m2, bà xúc động chia sẻ: “Trước đây bố mẹ nghèo, để cho tôi căn nhà cũ rách nát. Giờ nhờ các cấp quan tâm, làm cho nhà tử tế để ở, tôi mừng lắm, đêm hôm không còn lo cảnh nhà dột nữa”.

Tại xóm Đồng Đình, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, gia đình ông Hoàng Văn Sơn là một trong những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ xây nhà mới với diện tích gần 100m2, tổng kinh phí gần 350 triệu đồng. 

Nhiều năm bị ám ảnh trong cảnh dột nát mỗi mùa mưa đến, những người như ông Sơn không ngừng mong mỏi có một mái nhà kiên cố, để con trẻ yên tâm học hành, cả gia đình có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Nếu không có sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, không biết tới khi nào ước mơ của ông mới thành hiện thực.

Q1 xoa nha tam.png

Danh sách những hộ dân được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát như bà Hợp, ông Sơn đang tiếp tục nối dài thêm từng ngày. Mỗi căn nhà được xây mới, mỗi mái nhà được sửa chữa là một mảnh ghép đầy ý nghĩa trên hành trình đầy tính nhân văn.

tit 2 xoa nha tam.png

Tại phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra chiều 10/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng khó khăn, yếu thế là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa người có công với cách mạng, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”.

Theo Thủ tướng, xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Đảng đã có chủ trương, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, người khó khăn thì hy vọng. Vì thế, chỉ bàn làm, không bàn lùi, thực hiện đúng tiến độ; ai có gì giúp nấy, ai có của góp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít; phân công, phân cấp theo tinh thần 6 rõ (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền).

“Không để người dân nào ở nhà tạm, nhà dột nát: Đây là mệnh lệnh của trái tim, lương tri của chúng ta, trách nhiệm của cộng đồng. Dứt khoát phải làm được việc này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không phải lúc nào cũng “trải đầy hoa hồng”. 

Trong quá trình triển khai, các địa phương đã phải đối mặt với không ít khó khăn: Nguồn lực tài chính hạn chế, địa hình phức tạp gây khó khăn cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi khi chưa thực sự nhuần nhuyễn… Việc xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện cũng là một thách thức không nhỏ.

Để thực hiện được chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đòi hỏi không chỉ trách nhiệm của nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. 

“Ngay khi Thủ tướng phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát (tháng 4/2024), Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã khẩn trương phối hợp triển khai cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, không chỉ các địa phương vào cuộc quyết liệt và linh hoạt, mà các tổ chức chính trị - xã hội cũng hào hứng tham gia”, bà Tô Thị Bích Châu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ với Báo VietNamNet.

Q3 xoa nha tam.png

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tính đến hết ngày 28/2/2025, Quỹ Vì người nghèo Trung ương đã tiếp nhận trên 80,159 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; đảm bảo chi đúng mục đích.

Tích cực hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng phát động năm ngoái, bên cạnh khoản kinh phí cam kết hỗ trợ tại lễ phát động, một số đơn vị còn chủ động hỗ trợ thêm kinh phí.

Điển hình như: Bộ Quốc phòng hỗ trợ thêm 166 tỷ đồng (nâng tổng kinh phí đã hỗ trợ lên 566 tỷ đồng, tương đương khoảng 11.050 căn nhà); Ngành ngân hàng tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung khoảng gần 91 tỷ đồng, phát động toàn thể cán bộ, đoàn viên, người lao động toàn ngành ủng hộ tối thiểu một ngày lương để chung tay xóa 1.000 căn nhà (nâng tổng mức hỗ trợ của ngành ngân hàng là gần 1.313 tỷ đồng)…

tit 3 xoa nha tam.png

Bộ Dân tộc và Tôn giáo (trước kia là Ủy ban Dân tộc) là một trong những cầu nối quan trọng để không ai bị “bỏ lại phía sau” trên hành trình đầy ý nghĩa nhân văn.

Thông qua việc nắm bắt sâu sát tình hình đời sống, những khó khăn, vướng mắc của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, chương trình thiết thực; đồng hành, giám sát và đảm bảo nguồn lực được phân bổ hiệu quả, đúng đối tượng.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đặc biệt chú trọng đến việc phát huy sức mạnh cộng đồng. Thông qua việc vận động, tuyên truyền, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng các dân tộc và các tổ chức tôn giáo, nhiều mô hình hỗ trợ nhà ở đầy sáng tạo, hiệu quả đã được triển khai. Điển hình như huy động bà con lối xóm đóng góp ngày công, vật liệu…, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời tăng thêm ý nghĩa nhân văn và tính bền vững cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Sự sâu sát trong công tác chỉ đạo, điều phối của Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn được an cư trong những ngôi nhà mới khang trang, ấm áp.

Q2 xoa nha tam.png

Theo Quyết định số 808 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tiếp tục được tín nhiệm làm Phó trưởng ban kiêm Thường trực Ban chỉ đạo. Bộ Dân tộc và Tôn giáo là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Dành rất nhiều tâm huyết cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của một số địa phương.

“Các địa phương không trông chờ mà khó gì gỡ đó, chủ động huy động thêm nguồn lực để triển khai. Trung ương quy định mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/căn thì Thanh Hóa nâng lên 80 triệu đồng/căn. Nghệ An thì huy động được thêm nhiều bộ, ngành cùng hỗ trợ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu dẫn chứng.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, ngành, và sự chung sức của cộng đồng, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Tính đến đầu tháng 5/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 208.357 căn (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 106.000 căn).

Trong đó, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 25.356 căn (khánh thành 10.921 căn, khởi công 14.435 căn); Hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 59.054 căn (khánh thành 39.224 căn, khởi công 19.810 căn); Hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 123.947 căn (khánh thành 59.291 căn, khởi công 64.656 căn).    

Những mái nhà mới không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn thắp lên niềm tin, khơi dậy hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho những mảnh đời còn nhiều gian khó trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Box xoa nha tam.png

Bài: Bình Minh

Thiết kế: Phạm Luyện