
Từng là Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ của Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, có 25 năm kinh nghiệm giảng dạy lớp chuyên Anh và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, sau khi nghe nhiều học sinh “than” đề Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm nay khó, cô Vương Bích Hạnh bèn ngồi làm thử mã đề 1105.
Dù đã đạt 8.5 Reading IELTS, cô Hạnh nói chính mình cũng phải “toát mồ hôi hột” mới có thể giải hết đề.
“Đề năm nay khó bất thường, vượt qua những gì học sinh được học trong chương trình giáo dục phổ thông. Nếu xem kỹ chương trình từng bài trong sách lớp 11 và 12, hoàn toàn không thấy nhiều từ vựng xuất hiện trong đề thi.
Văn bản trong đề đã khó vì có nhiều từ mới và diễn đạt khó hiểu, các câu hỏi lại quá dài, nội dung không rõ ràng nên phải mất rất nhiều thời gian để đọc và xử lý thông tin”, cô Hạnh nói, đồng thời đánh giá mức độ kiến thức trong đề này đòi hỏi thí sinh phải đạt trình độ B2 - C2 mới có thể làm được, vượt quá chuẩn năng lực đầu ra yêu cầu đối với học sinh lớp 12 là B1.

Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Chí Viễn, người từng tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh tại Mỹ, đánh giá đề thi tiếng Anh năm nay khó vượt mức “phổ thông”, đặc biệt là về từ vựng. Bài đọc với chủ đề “greenwashing” (tẩy xanh) hay “project farming” (dự án nông nghiệp) cũng đều là những khái niệm mang tính chuyên môn cao, xa lạ với học sinh phổ thông.
“Tôi nghĩ ngay cả trong tiếng Việt, việc yêu cầu học sinh hiểu hết nội dung bài để làm đúng cũng đã rất khó”, thầy Viễn nói.
Về tổng thể, trong vòng 50 phút, để vừa đọc, vừa hiểu, vừa trả lời tất cả các câu hỏi trên 4 mặt giấy A4 “chi chít chữ”, thầy Viễn cho rằng chưa nói tới học sinh, các giáo viên tiếng Anh cũng phải chật vật.
Lo đề khó không thể phân loại thí sinh
Theo cô giáo Bích Hạnh, mặc dù đề thi cho phép có một lượng từ mới nhất định nhưng trong đề thi năm nay, số lượng từ mới quá nhiều so với năng lực của học sinh. Do đó, đề thi này có thể làm khó cả học sinh chuyên Anh, chưa nói đến học sinh đại trà ở vùng nông thôn, vùng núi.
Cô Hạnh không ủng hộ việc ra đề quá khó bởi điều này “phản khoa học về kiểm tra, đánh giá và không thể phân loại được học sinh”.
“Cấu trúc đề thi thiếu tính toàn diện do kỹ năng viết hoàn toàn bị bỏ trắng; ngữ pháp, từ vựng và các tình huống giao tiếp thực tế bị coi nhẹ. Cộng thêm mức độ khó quá cao, không theo chuẩn mực của các khung đánh giá năng lực gồm nhận biết - thông hiểu - vận dụng 2 cấp độ nên không thể phân hóa được học sinh. Điều này là chưa ổn”, cô Hạnh chia sẻ.
Thầy Huỳnh Chí Viễn cũng cho rằng đề thi này không tương thích với việc đào tạo tiếng Anh thực tế ở trường phổ thông, từ đó không bám sát và phản ánh đúng với trình độ tiếng Anh thực tế của học sinh Việt Nam.
“Theo tôi, đề thi cấp độ phổ thông dành cho một ngoại ngữ nên tập trung vào những kỹ năng thực tế mang tính ứng dụng cao, chẳng hạn vấn đáp (nhằm kiểm tra mức độ lưu loát của khả năng nghe nói, phát âm, sử dụng được các cấu trúc câu và từ vựng với những vấn đề của bản thân hoặc điều mình quan tâm) và một bài tự luận bằng tiếng Anh (nhằm kiểm tra khả năng viết như tính mạch lạc trong cách hành văn, độ hiệu quả và chính xác khi sử dụng ngữ pháp và từ vựng, chính tả) thay vì một bài trắc nghiệm với nhiều kiến thức hàn lâm”, thầy Viễn nói.
Liên quan đến độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, mới đây, Bộ GD-ĐT khẳng định đề không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) bám sát đề tham khảo đã công bố, có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.
Đề thi năm nay gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Theo Bộ GD-ĐT, điều này nhằm hạn chế những bất cập ở những năm trước đây, khi đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội.
