Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông tối đa lên 200 triệu đồng để răn đe; Ba dự án vay nước ngoài chậm giải ngân, bị mất phí cam kết 135 tỷ… là những thông tin nổi bật trong ngày.

Đề xuất doanh nhân phạm tội được tại ngoại để điều hành doanh nghiệp

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, khoản 4 Điều 5 của dự thảo quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm không áp dụng hồi tố các quy định của pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thảo luận tại Quốc hội ngày 15/5, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung nội dung tăng cường áp dụng biện pháp cho tại ngoại trong tố tụng hình sự. Chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam. “Trên thực tế, rất nhiều vụ án nếu cho doanh nhân tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh. Việc tạm giữ, tạm giam kéo dài đối với doanh nhân nhiều khi chỉ giải quyết được một vụ án nhỏ nhưng lại khiến cả một doanh nghiệp lớn lâm vào khó khăn, mất sức cạnh tranh với quốc tế”, ông Đồng nêu quan điểm. Đối với quy định doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục thiệt hại; trường hợp áp dụng quy định pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự, Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng phải có quy định giới hạn thời gian cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả để tránh vụ việc kéo dài. Ông Nghĩa lo ngại quy định này có thể bỏ lọt các trường hợp vi phạm mang tính chất nghiêm trọng như gian lận, trốn thuế quy mô lớn. Việc ưu tiên khắc phục hậu quả cũng làm giảm tính răn đe của pháp luật.